TÀI NĂNG ĐỒNG NAI TRÔI VỀ ĐÂU? (*)

“Tôi làm đơn xin nghỉ việc không phải là tôi đầu hàng, tôi muốn ra khỏi cơ quan nhà nước để được làm việc nhiều hơn vì tôi có một hoài bão cống hiến thật sự cho khoa học, cho đất nước. Tôi muốn thử nghiệm một mô hình, trong đó người cán bộ khoa học – kỹ thuật đưa nhanh chất xám của mình vào thực tiễn, hiệu quả sử dụng chất xám của nhà nước sẽ cao hơn. Tôi làm đơn xin nghỉ việc để nhà nước không bị lãng phí….”

 

Đó là những tâm sự của Phó tiến sĩ Nguyễn Đức Thạch, hiện còn công tác tại Ủy ban KH-KT tỉnh và là người duy nhất trong số 06 phó tiến sĩ ở Đồng Nai trực tiếp làm công tác khoa học – kỹ thuật. Đó dường như cũng là tâm sự của nhiều tài năng trên các lĩnh vực khoa học, nghệ thuật, thể dục thể thao ở Đồng Nai hiện nay: Làm sao có thể cống hiến được nhiều nhất?

Bài viết sau đây nêu ra một vài trường hợp cụ thể như một bức xúc chân thành trước thềm thập niên 90 ở tỉnh ta.

 

  

Đất lành chim đậu

Trong ca mổ Việt – Đức nổi tiếng thế giới năm qua, khi đánh giá về công lao của tập thể y, bác sĩ Bệnh viện Phụ sản thành phố Hồ Chí Minh, người ta không quên nhắc đến ê-kíp gây mê – hồi sức. Bạn có biết trong số những người tham gia ê-kíp này có bác sĩ Đào Thị Vui, người Đồng Nai và từng là chủ nhiệm khoa Khoa gây mê – hồi sức của bệnh viện Đồng Nai? Hai năm trước đây, ngày ngày chị vẫn đi xe buýt từ Hố Nai đến Biên Hòa với cái giỏ xách đựng một “gô” cơm, mấy cuốn sách, tạp chí. Tại bệnh viện, chị cần mẫn như một người mẹ tần tảo. Quyết định thành công của từng ca mổ đâu chỉ có phẫu thuật viên, thế nhưng hồi ấy, bác sĩ gây mê chỉ được tiền bồi dưỡng bằng tiền bồi dưỡng phụ mổ của một y tá mới ra trường! Bệnh nhân bình phục có người đến cảm ơn bác sĩ giải phẫu, hầu như không có ai đến cảm ơn bác sĩ gây mê. Chị Vui không buồn chuyện ấy. Chị nghĩ: mình chỉ mong có kiến thức sâu rộng để giúp bà con. Chị lặng lẽ đọc, tìm tòi. Hoài bão của chị không thành chỉ vì một nỗi: Chị theo đạo Thiên Chúa. Mấy năm ròng rã sinh hoạt tổ trung kiên, mấy lần làm đơn xin đi học chuyên tu cấp I… là những lần nỗi thất vọng càng bám lấy quyết tâm của chị. Chị về Bệnh viện Phụ sản thành phố Hồ Chí Minh, bao đồng nghiệp và cộng sự tiếc nhớ nhưng lại mừng cho chị.

Một trường hợp khác: Gia đình bóng đá Trần Quang Thảo, Trần Quang Nghĩa, Trần Quang Dũng cũng lần lượt rời Đồng Nai để tìm đến những tỉnh, thành khác. Anh Thảo, anh Nghĩa về làm thủ môn đội Hải Quan, Công nghiệp thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh (trước đây). Anh Trần Quang Dũng từng là thủ môn đội tuyển Đồng Nai, một cầu thủ trẻ mới lên, nhưng sau một mùa giải, lấy lý do lớn tuổi, lãnh đạo cho Dũng làm bảo vệ sân bóng. Anh đành từ giã Đồng Nai. Nay là thủ môn chính của đội tuyển An Giang.

Người ta có thể đổ lỗi cho cơ chế cũ và chính sách chế độ lúc bấy giờ đã không tôn trọng và phát huy đúng mức những tài năng. Nhưng trong một bình diện hẹp, chẳng lẽ “đất Sài Gòn”, “đất An Giang” lại có thể “lành“ hơn “đất Đồng Nai“?

 

  

Ai về Gia Định, Đồng Nai thì…

Hơn 9 năm qua, bác sĩ Xuân Tâm, nha sĩ Bảo Đan vẫn từng ngày từ thành phố Hồ Chí Minh đến Biên Hòa để công tác ở Bệnh viện Đồng Nai với đồng lương nghèo. Nhiều lần nguyện vọng xin đi học bổ túc chuyên môn của họ đã bị từ chối bởi có ý kiến lo ngại rằng nếu học thêm, họ sẽ bỏ Đồng Nai mà về thành phố Hồ Chí Minh. Trong khi đó, Bác sĩ L, chuyên khoa gây mê, được cử đi học ở Tiệp khắc 6 tháng về vệ sinh công nghiệp thực phẩm, ra trường chưa công tác ngày nào đã được cử đi học chuyên khoa mắt tại thành phố Hồ Chí Minh, bà L.Đ.K.Kh từ một y sĩ đi học chuyên tu 3 năm thành bác sĩ trở về chưa phục vụ nhiều đã được cho đi học chuyên khoa mắt… Những trí thức trẻ trong ngành y tâm sự: Họ chưa dám đòi hỏi lãnh đạo phải thật sự giỏi để sử dụng tài năng hợp lý mà họ yêu cầu phải có một sự công bằng tối thiểu để trí thức còn nhiệt tình công tác.

Chị Phạm Minh Chính, giáo viên mới của Trường Văn hóa – Nghệ thuật Đồng Nai, tốt nghiệp nhạc viện Hà nội năm 1988 với tác phẩm xuất sắc viết cho đàn nhị, chị nhanh chóng trở thành diễn viên của Đồng Nai “mang chuông đi thi thố xứ người”. Chị từng làm xanh mắt các khán giả Xô Viết bằng cây đàn nhị độc đáo Việt Nam, từng giành cho Đồng Nai những huy chương vàng nhưng cũng đang có ý định bỏ Đồng Nai để về theo một nhóm nhạc dân tộc nữ ở thành p
hố Hồ Chí Minh. Chị tâm sự: “Học trò vào trường nhạc bây giờ không thích học các nhạc cụ dân tộc. Đồng lương giáo viên làm sao đủ sống? Đàn nhị, đàn tranh làm sao có thể dạy thêm?

 

  

Tiềm lực còn ngủ yên

Năm qua, ba trong số bốn giải nhất của cuộc thi chọn giọng ca hay do Hội Âm nhạc và Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh tổ chức (có 987 thí sinh tham gia) (**) đã thuộc về những giọng ca Đồng Nai: Hoài Nam, Tăng Anh Phương, Phạm Duy Anh. Nhưng đó chưa phải là nhưng giọng ca nổi bật nhất tại Đồng Nai.

Cũng năm 1989 nội khu vực Biên hòa, liên hoan đồng ca hợp xướng đã đưa lên sàn diễn hàng ngàn diễn viên không chuyên mà trình độ biễu diễn loại hình âm nhạc “bác học” này của họ không cách xa với chuyên nghiệp.

Anh Phan Thanh Tiến – Giáo viên Trường Văn hóa – Nghệ thuật Đồng Nai được giới chuyên môn đánh giá thuộc loại tài năng violon hiếm hoi ở khu vực phía Nam.

v.v…

Tiềm lực văn hoá – văn nghệ Đồng Nai là thế. Nhưng mới đây, Hoài Nam, Phạm Duy Anh, Kim Tuyến, Phan Thanh Tiến… lần lượt về thành phố Hồ Chí Minh để kiếm sống. Dù rất nhiệt tình, họ cũng đâu còn thời gian để đầu tư nghiên cứu giảng dạy cho thế hệ đàn em.

Có những người không bỏ Đồng Nai nhưng trên thực tế, chất xám hiếm hoi của họ có nguy cơ bị vụt mất. Những nghệ nhân gốm là một ví dụ. Men ngọc bích truyền thống Biên Hoà có tên trong tự điển men thế giới, đâu phải học sinh mỹ thuật nào bây giờ cũng pha chế được và pha chế đúng. Bác Nguyễn Đức Mậu, một nhà điêu khắc Đồng Nai, từng nổi tiếng với những tượng đài ở Hà Nội, từng có những công trình như tượng đài Thánh Gióng, Trần Hưng Đạo, Trần Nguyên Hãn, Đức Bà Sài Gòn (hiện còn ở thành phố Hồ Chí Minh), từng là hiệu trưởng Trường Mỹ thuật trang trí hiện nay, từng giảng dạy ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia định đến năm 1977, nay vẫn chưa được mời làm một công trình gì cho tỉnh ta (thành phố Biên Hoà hiện chưa có một tượng đài nào!)

 

  

Bao cấp là không tin ở con người

Trở lại với trường hợp PTS Nguyễn Đức Thạch (anh Thạch đã làm đơn xin nghỉ việc từ tháng 08/1989 nhưng đến nay UBKH – KT tỉnh vẫn động viên anh ở lại công tác) suốt 31 năm qua “khấu hao” cho Nhà nước, anh không hề vấp phải một khuyết điểm nào. Anh từng đi nhiều nước trên thế giới (kể cả các nước TBCN), từng giảng dạy những lớp sinh viên đầu tiên của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (có nhiều người đến nay đã giữ chức vụ cao) nhưng cái ghế cao nhất của anh từ đó đến nay là… trưởng phòng! Anh nói: Tôi nguyện suốt đời là người lính theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng trên mặt trận khoa học – kỹ thuật. Anh rời giảng đường để xốc vào thực tế, anh làm thực nghiệm cần mẫn, tự học 3, 4 ngoại ngữ để dịch sách, nghiên cứu. Ở cái thời mà người ta sính những “báo cáo khoa học”, “những công trình”, anh cũng đã làm đựơc nhiều công trình có khả năng ứng dụng. Anh muốn bắt rễ vào cuộc sống. Nhưng tất cả các đề án đều vấp phải cơ chế. Điều nghiệt ngã trong cuộc đời nhà khoa học Việt Nam – anh Thạch nói – là một thời gian dài không làm được việc và làm việc cho có hiệu quả! Một quy trình sản xuất kem đánh răng, soda, keo dán, công ty tư nhân ở thành phố Hồ Chí Minh có thể mua với giá hàng mấy cây vàng nhưng để thực hiện một công trình khai thác tài nguyên của tỉnh thì xin một triệu đồng phải chờ cả năm trời có khi không được!

Về chuyên môn của mình, hiện nay anh Thạch mong muốn thực hiện công trình tìm kiếm, thăm dò, thu hồi, tận dụng tài nguyên quý (vàng) ở Đồng Nai để tránh lãng phí do khai thác bừa bãi nhưng đến nay anh gặp nhiều cái barie lớn: không kinh phí, không cộng sự…

 

  

Mai sau dù có bao giờ

Anh Thạch tâm sự: Lớp trẻ bây giờ hầu như bỏ mất xu hướng nghề nghiệp và sự xốc vào thực tế. Có người mới ra trường đã ham làm quản lý, có người lo làm giàu bằng mọi giá. Biết sao được? Nhiều cán bộ khoa học – kỹ thuật hiện nay thu nhập thua công nhân!

Còn chị Minh Chính thì nói: Thế hệ sau này sợ họ không biết đến những cây đàn dân tộc.

Anh Phan Thanh Tiến bức xúc: Nỗi khổ của người trí thức không chỉ ở vật chất mà còn ở nỗi đau tinh thần trước sự thiếu công bằng và sự mất tự do ở đôi nơi, đôi chỗ hiện nay. Nó đã làm cho họ không thể nhiệt tình đem hết tài năng bồi dưỡng cho thế hệ sau. Nguy cơ mai một tài năng đang là lời báo động.

Bài viết này mong làm một tiếng nói báo động sự lãng phí tài năng, lãng phí chất xám đang còn diễn ra xung quanh ta. Nó có nguồn gốc từ sự mất niềm tin vào con người thời bao cấp. Dẫu biết rằng tài năng cần có môi trường để phát huy, dẫu biết rằng dù ở đâu, những tài năng cũng sẽ cống hiến cho đất nước và không nên có một cái nhìn cục bộ, nhưng nhìn trên bình diện hẹp, chảy máu chất xám là đánh mất một nguồn lực quan trọng cho phát triển. Đối tượng toàn diện của chính trị là con người, không thể có một chính sách xã hội phân biệt đối xử với tài năng. “Đất lành chim đậu”, sự tổng kết ấy không chỉ đúng với ngày xưa…

 

 

  

…………………………….

(*) Bài báo được viết cách nay 19 năm, (đã đăng báo Xuân Đồng Nai 1990), vì thế, nhiều chi tiết, nhiều chức danh, nhiều tên cơ quan… được nêu trong bài báo cho đến nay đã có sự thay đổi. Bài báo này cũng cho mình cái giải nhì (không có giải nhất) Giải báo chí Đồng Nai năm 1990.

 

(**) Đây là cuộc thi hát đơn ca trên truyền hình đầu tiên, được xem là cuộc thi Tiếng hát truyền hình thành phố HCM lần thứ nhất

 

tainangDongnai 3

4 bình luận

  1. Bài này viết lâu như thế mà vẫn còn tính thời sự quá bác Tú nhỉ? Em tuy ko phải là 1 talent nhưng cũng đã phải dứt áo ra đi vì kiếm cơm nè! 🙂

  2. Thêm một tài năng Đồng Nai nữa sắp ‘trôi về đâu’: đó chính là tác giả bài viết đầy trăn trở trên!
    Đất Đồng Nai đã hết lành từ lâu lắm rồi… chỉ còn là nơi an dưỡng lúc mỏi gối chồn chân.
    Với những tài năng dám vứt bỏ nhiều thứ để làm lại, tôi chân thành ngưỡng mộ, và mong sao chân cứng đá mềm. Hãy bay đi, và bay cao, bạn nhé!
    Còn tôi ở lại, thôi đành cam phận gà què

  3. Tài năng đi gần hết rồi em ơi, chỉ còn bọn làng nhàng như tụi anh, giờ còn bám trụ thôi. Hì, hì… Bài này viết năm 1989!

  4. COMMENT BÊN MULTI CHUYỂN QUA:
    nodayroi wrote on Jul 31
    Những năm đó là những năm các cơ quan nhà nước bị chảy máu chất xám dữ dội. Rất nhiều người làm ở các cơ quan nhà nước sau một thời gian dài “xách cặp đi, xách cặp về” phải đứng trước một sự lựa chọn “sinh tử” – ở hay đi. Và không ít người đã chấp nhận rũ bỏ chức, quyền, để lao ra làm kinh tế.
    Có người thành công và cũng không ít người thất bại nhưng dù sao, đó là một thời điểm nhiều người đã “vỡ ra” rất nhiều điều, đã “thức tỉnh”.
    Thời điểm hiện nay cũng vậy. Rất nhiều người chắc cũng đã vỡ ra nhiều điều và cũng có nhiều người đã “thức tỉnh”.

    NĐR: Thực ra thì làm ở đâu xét cho cùng cũng là cống hiến thôi. Hồi đó, mình viết điều này vẫn theo tư duy “Đồng Nai quốc” (giờ đọc lại thấy buồn cười) và cũng ảnh hưởng loạt bài của Tuổi Trẻ, Thanh Niên về chuyện chủ nghĩa lý lịch, nhưng cái vấn đề cốt lõi của nó đúng như N nói vẫn còn thời sự.
    Bạn nói đúng. Càng ngày, sự chảy máu càng dữ dội. Với cơ chế dở bao cấp, dở thị trường, tăng quyền cho quan nhà nước, rất nhiều thứ phát sinh bất lợi. Chưa kể niềm tin xã hội sụt giảm làm cho giấc mơ cống hiến tàn lụi nhiều.

    tangtinhtinh2 wrote on Jul 31
    Anh Thạch giờ sao rồi anh?
    @ Thảo: Sau đó, anh Thạch đi làm ngoài. Có thời gian nghe nói cũng thành công lắm. Giờ này anh ấy chắc nghỉ ở nhà vì cũng lớn tuổi rồi!

    luuhuong wrote on Jul 31
    Trong bất cứ lĩnh vực nào cũng vậy, khi mà sự sáng tạo thu hẹp lại thì công việc chỉ còn là một sự mưu sinh! Mà không gian cho sự sáng tạo không phải dễ mà có thể mở rộng… 19 năm rồi, nhưng bài báo của anh vẫn mang tính thời sự…nóng hổi!
    @ LH: Cơ hội cho mọi người không bằng nhau là điều cản trở lớn nhất của sáng tạo và phát triển!

    tuanvetinh wrote on Aug 1
    Đã gần 20 năm nhưng nội dung của bài báo vẫn còn mang tính thời sự. Chỉ tội nghiệp cho cái cơ chế! Bản thân nó chắc là cũng muốn thay đổi để phù hợp với yêu cầu thực tế, nhưng “những ông bố bà mẹ” của nó không dám làm bởi nếu như thế thì đâu còn ai để đỗ thừa.

    yeuochu wrote on Aug 2
    Điều gì làm cho “Đã gần 20 năm nhưng nội dung của bài báo vẫn còn mang tính thời sự” vậy anh? 🙂

    @ tuanvetinh và @ yeuochu: Vì sao bài báo còn thời sự? Câu trả lời ai cũng rõ nhưng làm sao giải quyết thực trạng này thì chẳng ai nói ra.

Bình luận về bài viết này