CHUYỆN CHỈ CÓ Ở VIỆT NAM (kính thưa)

1/ Kính thưa các loại kính thưa

Tại mội Hội nghị ở Hạ Long hồi đầu năm 2007 do Ban Bí thư tổ chức, có rất đông các lãnh đạo tuyên giáo, báo chí trong cả nước dự. Ông Trương Tấn Sang – Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư – chủ trì cùng với các thành viên đoàn chủ tịch là 4 Ủy viên Trung ương Đảng khác. Ngay sau phát biểu khai mạc, ông Trương Tấn Sang đã nhắc các đại biểu rằng do thời gian hội nghị rất ít, các đồng chí lên phát biểu tham luận chỉ nên ngắn gọn, và chỉ “kính thưa các đồng chí” là đủ.

Thế nhưng, từ phát biểu tham luận đầu tiên, người ta đã không chấp hành lời nhắc này, vẫn “Kính thưa đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư! Kính thưa đồng chí Tô Huy Rứa v.v…”

Và cứ thế, hàng chục phát biểu sau cũng vẫn “kính thưa” đầy đủ!

Giờ giải lao, bên hành lang, có vị đại biểu hội nghị bình luận về chuyện này: Ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, thay mặt Đảng, chỉ đạo trực tiếp như thế, nghĩa là Đảng đã chỉ đạo không “kính thưa” dài dòng. Vậy mà người ta không nghe… Có vị vừa đọc tham luận xong, nói rằng: Tôi cũng muốn chấp hành chỉ thị của đồng chí Trương Tấn Sang, nhưng thấy ai cũng “kính thưa” mà mình nói gọn lỏn nó kỳ quá, thôi, ta sao mình vậy!

 

 

2/ Đáp từ ai?

Những người bạn của tôi là chuyên viên của một số cơ quan, ban, ngành vốn có ngày kỷ niệm (giống như ngày 21/6 của dân báo chí chúng ta) kể rằng: Hằng năm cứ đến ngày của ngành mình, anh ta (hay chị ta) phải viết bài phát biểu cho lãnh đạo tỉnh đến dự lễ kỷ niệm. Bài phát biểu đó phải được gửi đến văn phòng Tỉnh ủy hay UBND tỉnh trước ngày lễ diễn ra khoảng 1 tuần. Cấu trúc bài phát biểu về cơ bản gồm mấy phần: 1. Ôn lại truyền thống; 2. Nêu thành tích của ngành (đơn vị), 3. Đánh giá và đóng góp của lãnh đạo về những thành tích và những vấn đề còn tồn tại, 4. Chỉ đạo ngành (đơn vị) phải làm một số việc trong thời gian tới…

Nhờ công nghệ soạn thảo văn bản trên máy tính nên các bài phát biểu này năm nào cũng na ná giống nhau, chỉ sửa sơ vài con số, sự kiện, hay vài nội dung mới về phương hướng nhiệm vụ. Ví dụ, phát biểu tại lễ kỷ niệm ngày báo chí cách mạng Việt Nam thì năm nào cũng có thể mở đầu: “Cách nay X năm, ngày 21/6/1925, tờ báo Thanh Niên do chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập đã phát hành số đầu tiên….” 

Bạn tôi cũng kể rằng, viết xong diễn văn cho lãnh đạo tỉnh anh ta (chị ta) cũng còn chuẩn bị diễn văn đáp từ cho lãnh đạo ngành (đơn vị) mình. Bài đáp từ đó gồm có những dòng cám ơn và đặc biệt là HỨA tiếp thu những chỉ đạo của cấp trên.

Bạn tôi nói, mỗi khi lễ diễn ra, tôi thường nhủ thầm: mình tự viết để khen, chê, và… chỉ đạo cho chính ngành mình rồi cám ơn về những lời chỉ đạo đó nghe lại cũng thú vị!  

 

Còn các bạn, các bạn bình luận những chuyện này thế nào?

 

Ảnh: Lễ bế giảng 1 lớp học báo chí ở khu vực Tây Nguyên. “Đến dự có đ/c Hoàng Hữu Lượng, cục trưởng Cục Báo chí…”. Ảnh chỉ có tính chất minh họa