TẤT CẢ CÁC ĐẠI HỘI ĐỀU THÀNH CÔNG!

Cuối cùng thì ông Nam Ngữ, chủ tịch Hội tái đắc cử cũng tuyên bố cái câu quen thuộc trong trí não Việt Nam vào lúc 11giờ 45 phút trưa nay, 18/7: “Đại hội Hội Văn học – Nghệ thuật Đồng Nai lần thứ IV đã thành công tốt đẹp!”

Và những lời có cánh đã được cất lên. Chuyện nâng lên đặt xuống đã diễn ra.

Thực ra, xét về góc độ tổ chức, Đại hội Hội VHNT Đồng Nai đã “thành công” từ ngày hôm qua (phiên trù bị), sau công việc bầu cử buổi chiều. Hôm nay chỉ là phiên trình diễn, ai cũng biết thế. Bầu cử, nội dung quan trọng số 1 của Đại hội đã diễn ra cơ bản tốt đẹp ngoài mong đợi và quan ngại của nhiều người. Những người thạo tin nói trật cơ cấu đâu 2 vị. Một thành viên Ban bầu cử báo trước cho mình kết quả ngay sau lúc kiểm phiếu, nhắn tin chúc mừng tới nhà thơ Đàm Chu Văn (anh đang ngồi trên hàng ghế đoàn chủ tịch): chuc mung thang cu (chúc mừng thắng cử), thấy Mr. Văn cứ tủm tỉm cười, và nhắn lại: cám ơn. Cứ sợ nhà thơ hiểu lầm cái tin nhắn tiếng Việt không dấu!

Văn xuôi Đồng Nai chắc là sẽ thất bát trong nhiệm kỳ IV (2007 – 2012) đây vì trong 11 thành viên BCH mới chỉ có một nhà văn trẻ: Trần Thu Hằng. Nhà văn Khôi Vũ – Nguyễn Thái Hải, nguyên phó chủ tịch Hội khóa rồi, và cũng tham gia nhiều kỳ BCH và là người trong biên chế Văn phòng Hội nhiều năm trước không biết sao đùng đùng đi nghỉ mát ở Huế ngay trong thời gian Đại hội này. Chủ tịch Hội, ông Nguyễn Nam Ngữ – họa sĩ, tái đắc cử, 3 phó chủ tịch là nhạc sĩ Nguyễn Khánh Hòa (thường trực), nhà thơ Đàm Chu Văn (kiêm nhiệm), nghệ sĩ Giang Mạnh Hà (trưởng đoàn cải lương – kiêm nhiệm).

Đại hội Hội Văn nghệ diễn ra song song với những cuộc giao lưu nhóm. Trên sân khấu, đoàn chủ tịch cứ điều khiển, các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu… cứ đọc tham luận, dưới hàng ghế cử tọa, ngoài hành lang, âm thanh “thảo luận tổ” to đến mức đoàn chủ tịch nhiều lần kêu gọi anh chị em tập trung, ổn định trật tự.

Lần này, các hội viên văn nghệ Đồng Nai – vốn là những tài năng sớm trôi về Sài Gòn – không thấy về dự: Trương Nam Hương, Vũ Xuân Hương, Cao Xuân Sơn, Nguyễn Thanh Văn, Thu Trân v.v…

Mình dự đại hội vừa với tư cách hội viên, vừa với tư cách khách mời, còn mang cả lẵng hoa của Hội Nhà báo tới Đại hội. Nhưng trưa nay, bị chọc quê: Giám đốc Bệnh viện Tâm thần còn được giới thiệu, mà phó chủ tịch Hội Nhà báo người ta quên. Tại mình không đăng ký tên đại biểu và chui tọt xuống hàng ghế dưới ngồi tán dóc với anh em văn nghệ ở huyện về, lâu ngày mới gặp – phân trần thế cho vui. Nhưng ông bạn nhà thơ Trần Ngọc Tuấn, lại giải thích khác, không phải, bác sĩ Nguyễn Thọ là giám đốc Bệnh viện Tâm thần TW2 (trước là Nhà thương điên Biên Hòa), còn Hội Văn nghệ là Bệnh viện Tâm thần TW3… nên phải giới thiệu. Tất cả phá lên cười.

Trong bài phát biểu của ông Trần Đình Thành, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, bên cạnh nội dung chào mừng, nội dung “khen”, còn có nội dung “chê” và chỉ đạo, đề nghị. Trong nội dung “chê”, có một ý, đại khái, nhiệm kỳ qua, văn nghệ Đồng Nai có phát triển về số lượng tác phẩm cho đời, nhưng chưa có tác phẩm… để đời, chưa có tác phẩm tạo dấu ấn, tạo tiếng vang. Nghe ý này, nhà thơ Lê Thanh Xuân, ngồi hàng ghế sau tôi, chồm lên nói: Có, có chứ, tác phẩm “Cướp cò” của Phạm Thanh Quang tạo được tiếng vang chứ!

Chuyện nóng nhất của đại hội này có lẽ là tham luận của nhạc sĩ Trần Viết Bính đọc hôm qua, ngày trù bị. Nội dung tham luận có nêu lên một thực trạng: giới sáng tác ca khúc Đồng Nai và các nhạc sĩ lớn viết về Đồng Nai khá nhiều, nhưng tác phẩm họ chỉ dừng lại trên giấy, chưa có đầu ra. Ông nói hùng hồn về chuyện “đầu ra” cho tác phẩm âm nhạc để đi đến kết luận rằng: truyền hình Đồng Nai hiện nay là kênh tốt nhất cho để âm nhạc của hội viên và những người không phải hội viên viết về Đồng Nai đến với công chúng. Hội chỉ là bà đỡ cho đầu vào, cho sáng tác. Nội dung này ông nói đúng và nói hay, nhưng để cố chứng minh thêm cho việc lâu nay các sáng tác âm nhạc về Đồng Nai không đi vào quần chúng, ông đã lên tiếng trách cứ Đài Đồng Nai chạy theo âm nhạc thị trường, bị áp lực của các nhà tài trợ nên các live show vẫn cứ là các ca sĩ hot, các bài pop, rock, hiphop…

Nhạc sĩ Tống Duy Hòa – trưởng phòng Văn nghệ Đài PTTH Đồng Nai – nhảy xổm lên diễn đàn phản ứng. Mr Hòa cũng dùng nhiều lập luận để “bác” lý lẽ ông Bính. Ông Hòa đi từ chức năng nhiệm vụ của Đài, đi từ nguyên tắc hợp tác giữa các cơ quan nhà nước (phải họp hành, có văn bản)… đến chuyện tài trợ, kinh phí cho việc thu hình các video clip ca khúc và nặng nề nhất, là chuyện ông Hòa nói, các sáng tác địa phương chưa có chất lượng, nhiều chương trình đã làm không có người xem, khi có tác phẩm chất lượng thì Đài phải tự tìm đến để “mua”chứ không cần kêu gọi trách nhiệm. Ông Hòa chưa kịp xuống bục thì ông Bính đã bước lên trước bàn đoàn chủ tịch, tay giơ lên trời, xin phát biểu ngắn thôi. Đoàn chủ tịch định nói thôi nhưng thấy ông Bính hừng hực khí thế nên đành mời lên và lúc đó cũng chẳng có ai xung phong (mình cũng định lên nói dùm với tư cách… cựu cán bộ Đài nhưng nghĩ lại, thấy không cần, nên thôi). Ông Bính lên và tiếp tục đưa ra những bằng chứng để chứng minh về chất lượng: Nào là những tác phẩm đoạt giải A, B, C… của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, đoạt giải chuyên ngành như ngân hàng, sinh đẻ có kế hoạch, rồi giải thưởng Trịnh Hoài Đức, hay giải thưởng Chiến khu Đ. Nghe tên những tác phẩm lạ hoắc như những bộ phim đoạt giải Oscar. Nhưng cái phần hay nhất lúc này là ông Bính nói
về những ca khúc thường xuyên được phát trên Đài trong các live show, các chương trình ca nhạc theo yêu cầu v.v… như một thứ NHẠC BẨN, NHẠC RÁC. Âm nhạc thế giới có cái nào tốt ta đã nhập rồi, còn nhạc RÁC như thế, làm sao XUẤT được trong thời hội nhập. Nhà thơ Lê Thanh Xuân, phó phòng văn nghệ Đài PTTH Đồng Nai cũng tự ái dồn dập nên trước khi đọc tham luận, có phát biểu bên lề với nội dung: đây là đại hội của giới văn nghệ chứ không phải cuộc họp kiểm điểm Đài Đồng Nai!

Cuộc tranh luận này còn nhiều ý nữa, nhưng entry đã dài. Có người nói nhờ cuộc tranh luận ấy mà không khí Đại hội nóng lên.

Ngày hôm nay, tham luận này của ông Bính được đọc lại, chỉnh sửa hợp tình hợp lý hơn, nghe “đã tai” hơn hôm qua, và đại biểu cũng chăm chú hơn. Tham luận lại đọc trước Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo, Trưởng ban Tổ chức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nên nó ít có màu sắc bức xúc hơn hôm qua. Nhưng nó vẫn là câu chuyện để ngỏ.

Bạn tôi, một đại biểu dự đại hội nói, thành công nhất của Đại hội này là cuộc tranh luận ấy, chứ không phải chuyện bầu ra Ban chấp hành mới. Bởi giới văn xuôi, thơ vè mang về đại hội những bài tham luận nặng màu sắc chính thống! Có vẻ như trong cuộc chơi chữ nghĩa này, nhạc sĩ Bính là người có sự chuẩn bị công phu và lợi khẩu hơn. Ông còn mang cả nghị quyết V (TW8) về bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc… làm cơ sở lý luận. Lại cũng tin hàng lang: Ông Bính là một trong những người ngoài “cơ cấu” trúng cử BCH lần này.

Báo chí trong tỉnh dự đại hội này khá đông, và có không ít hội viên – đại biểu là nhà báo nhưng tôi chắc rằng những “thành công” này khó được đưa lên báo địa phương. Vậy là gõ blog, mặc dù cữ bia trưa nay bây giờ còn mệt.

Nhưng, dù kiểu gì thì, tất cả các đại hội đều thành công tốt đẹp!

Và chuyện này cũng chỉ có ở Việt Nam