CÂU CHUYỆN LOẠN GAMES SHOW

Báo Tuổi trẻ hôm nay có bài Loạn game show. Bài viết nêu lên một hiện tượng không mới, một thực trạng ai cũng thấy. Quý, chính là ở tấm lòng người viết khi muốn gióng lên hồi chuông cho các nhà báo đang làm công tác tư tưởng trên lĩnh vực truyền hình. Tác giả Hoàng Lê đã xem nhiều, hỏi nhiều và ghi chép kỹ để có được một bức tranh khái quát khá tốt về một thể loại truyền hình ra đời muộn nhưng có sức phát triển Phù Đổng ở Việt Nam: trò chơi truyền hình.

Từ bài viết, tôi nghĩ thêm: Điều đáng nói và cần nói hơn trong bài báo ấy lẽ ra chính là những sơ sót, sai sót quá nhiều trong các games đang phát: cổ vũ chủ nghĩa tiêu thụ, cổ vũ những giá trị ảo, những loại “nghệ thuật” tầm thường và tình trạng sai kiến thức (trong các nội dung thi đố) chưa thể lường hết hậu quả đối với thế hệ trẻ chưa quen tư duy phản biện. Nguyên nhân của thực trạng đã khá rõ: các Đài đua nhau “xã hội hóa” để mặc cho các công ty truyền thông thao túng. Nó cũng giống như một thời các báo địa phương, báo ngành xin giấy phép phụ trương và bán giấy phép cho các “đầu nậu” làm đặc san. Tôi nghĩ, báo Tuổi trẻ nên có bài viết cụ thể hơn, đừng ngại đụng chạm hơn. Nếu cần thì bạn đọc sẽ cung cấp nhiều nội dung góp ý qua cơ chế phản hồi trên báo in và báo online. Hiện nay chúng ta có quá nhiều kênh truyền hình, đó là điều tốt, nhưng khả năng sản xuất chương trình chất lượng thì chưa theo kịp. Mâu thuẫn này cần được giải quyết bằng những hoạch định phát triển truyền hình hợp lý hơn.

Người dân nghèo ở thành phố Hồ Chí Minh hiện nay (tạm gọi người dân chưa thể dùng truyền hình cáp, truyền hình số mặt đất, truyền hình số vệ tinh, truyền hình internet như thế) và các vùng lân cận hiện nay có thể bắt khá nhiều kênh truyền hình analog bằng máy thu hình có antenna “râu”: 3 kênh của HTV, 3 kênh của VTV, 2 kênh của VTC (VTC1 và VTC5), 2 kênh của Đài Bình Dương, 2 kênh của Đài Đồng Nai, 1 kênh Đài Bà Rịa – Vũng Tàu, 1 kênh Long An, chưa tính đến Tiền Giang, Bến Tre v.v… Tháng 10 này, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh (H-VTV) sẽ phát sóng analog…

Số kênh truyền hình nhiều, nhưng thực lực (khả năng nhân lực) sản xuất chương trình của tất cả các Đài này – tôi nghĩ – nếu dồn lại chỉ có thể cung cấp cho vài kênh. Hiện nay, Đài địa phương nào có năng lực sản xuất cao cũng chỉ có thể cung cấp 15% thời lượng chương trình cho Đài mình. Còn lại là phim nhập về, phim khai thác, các chương trình giải trí nước ngoài thu từ vệ tinh và các nguồn khác… Ấy là nói con số chung chung theo yêu cầu chuẩn hóa thôi, chứ chỉ cần một kíp 10 người, một Đài truyền hình có thể làm một talk show trực tiếp từ sáng tới chiều! Và có khi, với một clip 30 giây, một đội ngũ cả 30 – 40 người phải làm cả tuần! Một bản tin thời sự hàng ngày 30 phút của một tỉnh có 10 đơn vị hành chính, để bảo đảm tính toàn diện (về địa bàn, về lĩnh vực), 50 phóng viên vẫn chưa đủ…

Và vì thế, khi tăng kênh, tăng vùng phủ sóng, các Đài đều nhân danh nhu cầu thông tin, giáo dục, giải trí của người dân, nhưng thường không nói ra chuyện giành giật thị phần quảng cáo lẫn nhau. Mà tăng kênh, tăng diện phủ sóng, tăng thời lượng đồng nghĩa với tăng năng lực sản xuất. Năng lực sản xuất thiếu, yếu thì phải hợp tác. Con đường xã hội hóa – một khái niệm khá mỹ miều để né cái chuyện tư nhân hóa truyền thông – là lối ra. Và cho dù có kiểm soát tốt, các Đài không thể bắt các công ty truyền thông nhân danh phục vụ nhiệm vụ chính trị mà bỏ qua mục tiêu số một của họ: kiếm lời!

Nguyên nhân của mọi nguyên nhân là ở đó! Lý giải nó, người ta hay dùng một từ gọn lỏn mà hơi bị đúng: cơ chế!