TỰ TRỌNG DỤNG

(Copy từ một status trên facebook của bà xã Cù Thị Thanh Huyền)

Hay nghe người nọ người kia bảo, ông này bà khác đang bất mãn lắm khi không được hay không còn “được trọng dụng”.
Mình nghĩ, cũng có thể thực sự có nhiều người bất mãn thật, vì họ nghĩ họ có năng lực mà không “được trọng dụng” tương ứng với cái năng lực ấy hoặc theo cái cách họ mong đợi!
Nhưng, “được trọng dụng” là thế nào? Định nghĩa về điều này sẽ có nhiều lắm ấy. Nên, “được trọng dụng” theo nghĩa là cho một vị trí, một cái ghế, một chút quyền lực hay tiền bạc… chắc chỉ là một trong muôn vàn cách hiểu.
Thêm một điều nữa, sao người ta cứ nghĩ đến chuyện làm sao để “được trọng dụng”? Sao không nghĩ đến việc con người ta, đến một lúc nào đó, phải biết cách “tự trọng dụng” chính bản thân mình?
“Được trọng dụng” là phụ thuộc vào người khác. “Tự trọng dụng” chỉ phụ thuộc vào bản thân ta.
“Được trọng dụng”, nhiều khả năng là mình phải đánh mất/ bỏ qua nhiều thứ quý giá khác (như mất thời gian cho chính mình, cho người thân, cho học hành, cho các họat động xã hội khác; mất đi cá tính của mình; mất vài đức tính đáng quý như tôn trọng, yêu thương, bao dung, lễ phép với người dưới, người yếu thế chẳng hạn…)
“Tự trọng dụng” buộc ta phải chuẩn bị nhiều thứ (từ thể chất, trí tuệ, tâm hồn, kỹ năng, phong cách…) và phải rèn luyện để biến nó vĩnh viễn thành của mình. Vì thế nó không mất đi.
Chút quyền, chút tiền, chút địa vị, mức độ sử dụng của người đời với ta,… rồi cũng sẽ giảm, sẽ mất, sẽ hết … Chỉ có trí tuệ, tâm hồn mới trường tồn và mới giúp ta biết “tự trọng dụng” tốt bản thân mình!

 

P.s
1. Mình luôn tự cho mình là kẻ hèn mọn, chẳng có khả năng gì đặc biệt, thành có được như ngày hôm nay là đời/ người đã ưu ái mình lắm rồi. Bấy nay mình đang tập tự trọng dụng bản thân. Hy vọng sẽ tự trọng dụng tốt bản thân mình ít nhất là trước hạn nghỉ hưu 10 năm.
2. Phải hơm bạn Phan Văn Tú? Hỏi thì hỏi vậy thôi chớ mềnh là mềnh biết bạn chỉ cười hề hề mà bảo, “chẳng quan trọng gì!” Hìhì!

DỰNG CẢNH, DÀN DỰNG VÀ… GÀI BẪY

Đầu năm nay, Kanhaiya Kumar, chủ tịch hội sinh viên của đại học Jawaharlal Nehru, bị bắt trong cáo buộc chống chính quyền. Ngay sau đó, bức ảnh Kumar phát biểu trước một bản đồ Ấn Độ bị phân chia nhiều khu vực, trong đó các bang Kashmir và Gujarat được sáp nhập vào Pakistan được tung lên truyền thông nhằm mục đích chỉ trích anh là phần tử phản quốc…

Buc anh nguy tao duoc gan cho Kanhaiya Kumar

Nhưng trò gian lận ảnh bằng photoshop này đã nhanh chóng bị lật tẩy. Thực tế, Kumar phát biểu trước một bức tường dán vải. Chuyện phát hiện này không giúp Kumar thoát án tù nhưng làm một bộ phận của giới báo chí Ấn Độ xấu hổ.

Từ ảnh giả mạo

Năm nay, làng báo thế giới chứng kiến 6 vụ bê bối ảnh giả mạo như thế. Vụ đình đám nhất xảy ra ở Mỹ và dính đến một người cũng đình đám: Donald Trump – ứng cử viên tổng thống.

Sau vài đụng chạm với Megyn Kelly, MC truyền hình của kênh FOX News, Donald Trump đã tung lên Twitter bức ảnh cô Kelly đang đứng cùng Abdulaziz,  hoàng tử Ả rập Saudi, và nói rằng hoàng tử này là đồng sở hữu FOX News. Nhưng thực tế, Abdulaziz chỉ sở hữu cổ phần 6,6% trong Công ty 21th Century Fox (chung tập đoàn nhưng không phải FOX News) và tỷ lệ này không đủ để được coi là một “đồng sở hữu”. Nhưng điều đáng nói, bức ảnh mà Trump đưa lên mạng đã bị cắt ghép.

Buc anh nguy tao tu va buc anh goc cua MC Megyn Kelly

Bức ảnh giả này nhiều báo khai thác, được chia sẻ rất nhiều trên mạng và dấy lên dư luận bất lợi cho những người liên quan. Khi các chuyên gia truyền thông vào cuộc, bức ảnh ấy đã nhanh chóng được phát hiện là… hàng giả.

Giữa tháng 5 rồi, Donald Trump chính thức thừa nhận chuyện làm giả ảnh và xin lỗi công khai Kelly.

 

Ảnh giả trên báo thời nào cũng có, nhưng hiện nay với sự tiếp sức của công nghệ, tình trạng này càng phức tạp. Nhiều ảnh “chế” mới đây về cá chết ở miền Trung, về KCN Vũng Áng, về tổng thống Obama lan truyền trong facebook Việt là những ví dụ. Ban đầu, có thể là trò đùa, cư dân mạng xã hội – có vô tình, có cố ý – đã chia sẻ, bình luận dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

Đến clip dàn dựng

– Mới đây, một kênh truyền hình phát phóng sự có cảnh một nông dân dùng chổi quét lên ngọn rau xanh, vừa quét vừa nói: “Bây giờ phải quét để giả sâu ăn”. Đó là cảnh chủ chốt trong phóng sự có chủ đề phê phán hành vi lừa người tiêu dùng. Phóng sự cũng ghi ý kiến người mua rau về tâm lý thích chọn rau có vết sâu bởi cho rằng đó mới là rau sạch và kết luận: Nông dân dùng chổi quét rau để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Nhiều nông dân ở xã Vĩnh Thành (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) đã phản ứng dữ dội vì bối cảnh trong bài là vùng rau của họ và cho rằng phóng sự đã làm tổn hại hoạt động sản xuất, kinh doanh và uy tín vùng rau.

Cơ quan quản lý vào cuộc và kết luận: tác giả phản ánh không trung thực, có dàn dựng để ghi hình, gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Cơ quan báo chí bị phạt hành chính 50 triệu đồng và buộc phải cải chính xin lỗi.

– Trước đó mấy năm, phóng sự truyền hình “Ai chắp cánh cho thần chết?” của một đài địa phương đoạt giải B giải báo chí tỉnh và được phát trên VTV cũng bị nhân vật trong phóng sự tố cáo “dàn dựng”. Sau khi kiểm tra làm rõ, tác phẩm này bị rút giải thưởng.

Phóng sự ấy ghi hình hai thương binh, người cụt cả hai chân, người cụt tay nhưng vẫn lái xe ô tô chạy bon bon trên đường. Lời bình nhấn mạnh: cả hai đều được cấp bằng lái xe ô tô.

Chỉ vì mục đích phản ánh tình trạng xuống cấp trong công tác đào tạo cấp bằng lái xe ô tô mà tác giả lại lừa dối nhân vật, dàn dựng trong bối cảnh sai bản chất, thông tin sai sự thật (thực tế, những thương binh này không có giấy phép lái xe và bị cấm không cho lái xe).

Hai tình huống trên đều vi phạm nguyên tắc thu thập và xử lý thông tin, nguyên tắc đạo đức báo chí. Những vi phạm ấy có thể do tác giả chưa hiểu đúng về dàn dựng.

Dàn dựng là tái tạo hiện thực

Việc nhà báo nhờ nhân vật hỗ trợ, hợp tác để ghi hình khi làm truyền hình là chuyện phổ biến. Để làm phóng sự chân dung về một nghệ nhân chẳng hạn, phóng viên phải “đạo diễn” cho nghệ nhân biểu diễn nhằm ghi được những hình ảnh có giá trị thông tin.

Nguyên tắc chung: không bóp méo sự thật, tôn trọng logic và nhân vật biết rõ mục đích ghi hình, ý đồ tác phẩm. Cách tác nghiệp này thông thường rơi vào những tác phẩm có nội dung biểu dương, ca ngợi, tích cực. Tạm gọi thủ pháp này là dựng cảnh.

Dàn dựng cũng là thủ pháp trong truyền hình (từ “dàn dựng” ban đầu không mang nét nghĩa tiêu cực), đó là thủ pháp được dùng nhiều trong phim tài liệu. Ví dụ làm phim tài liệu lịch sử, khi không có hình ảnh tư liệu, đạo diễn phải tái tạo hiện thực. Vấn đề là cách xử lý hình ảnh của đạo diễn (chuyển thành đơn sắc, dùng ngôn ngữ dựng hình, ghi chú thích bằng dòng văn bản v.v…) giúp khán giả khi xem vẫn biết được đó là những hình ảnh được dàn dựng, tái hiện.

Nhưng khi phản ánh một nội dung tiêu cực, khi muốn dùng hình ảnh để chứng minh những hành vi sai trái, xấu xa, nhà báo phải sử dụng thủ pháp điều tra để ghi hình đúng sự thật.

Không ai có thể hợp tác với nhà báo để bôi xấu chính hình ảnh của mình trên truyền thông. Khi nhà báo nhân danh các mục đích nào đó để lợi dụng nhân vật của mình thì đó là gài bẫy, là ứng xử nhẫn tâm, là vi phạm pháp luật và đạo đức, có trường hợp thậm chí có thể khởi tố hình sự.

Thay lời kết

Máy ảnh, máy quay phim có thể ghi khách quan hiện thực khi chúng ta bấm nút thu nhưng việc chọn lựa góc máy, động tác máy là hành vi chủ quan. Đôi khi, thay đổi góc máy, chúng ta có thể thay đổi bản chất vấn đề. Thiếu tỉnh táo, chúng ta có thể bấm máy trước những hình ảnh đã bị một thế lực nào đó sắp đặt với những mục đích nhất định. Nhà báo cần phải hiểu sự thật đằng sau những hình ảnh mình chụp, quay mới đạt đến sự chính xác về bản chất.

Công bằng, khách quan và không định kiến cũng cần được đặt ra trong việc ghi hình, chụp ảnh báo chí và đặc biệt trong việc biên tập clip, ảnh với sự hỗ trợ của công nghệ hiện nay. Bên cạnh đó, nguyên tắc tôn trọng sự riêng tư của nhân vật, đặc biệt là những đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội cũng cần đặt lên hàng đầu. Hiện nay, hình ảnh được phát tán trên môi trường online quá dễ dàng, nhanh chóng. Hãy luôn nghĩ đến hậu quả về hình ảnh của nhân vật!

Dàn dựng chỉ có thể là thủ pháp báo chí khi nó phản ánh đúng bản chất sự kiện; khi công chúng truyền thông hiểu được thông điệp đồng thời nhận rõ đó là hình ảnh tái tạo, hình ảnh được sắp xếp; khi nhân vật biết rõ mục đích của việc chụp, ghi và tác phẩm không gây tác hại cho họ. Đừng lấy mục đích tốt để biện minh cho việc “dàn dựng” bóp méo sự thật, đó là con dao hai lưỡi, không chỉ vi phạm đạo đức nghề báo mà còn vi phạm pháp luật. 

Truyền hình trực tiếp chỉ cần một chiếc điện thoại?

Chiều 26/4, cuộc họp báo đột xuất do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp (Formosa Hà Tĩnh) tổ chức diễn ra trong vòng 30 phút. Thông tin về nội dung cuộc họp báo có liên quan đến nghi vấn về hệ thống xả thải của doanh nghiệp này ngay sau đó đã được các trang báo mạng và các đài truyền hình cập nhật. Tuy nhiên, ngay trong thời điểm diễn ra họp báo, hàng trăm ngàn cư dân mạng đã chứng kiến trực tiếp sự kiện này qua Facebook…

3 - SMARTPHONE CO MAT O MOI SU KIEN

Giờ đây, khi tham gia buổi họp mặt lớp cũ, khi dự một buổi tiệc cưới hay tham gia một hội nghị quốc tế quan trọng, bạn có thể dùng smartphone để chia sẻ video trực tiếp sự kiện cho bạn bè, người thân… Tính năng live video trên các trang mạng xã hội thực ra cũng không phải là quá mới. Từ năm 2013, YouTube đã bắt đầu cho phép những tài khoản có trên 100 người theo dõi có thể “phát sóng” trực tiếp video. Trước đó, Google cũng tung ra dịch vụ Hangouts cho phép người dùng truyền trực tiếp video qua webcam. Tuy nhiên, Hangouts chỉ truyền tải trong một nhóm người dùng nhất định, còn Youtube thì hạn chế về thiết bị truyền dẫn và các điều kiện đối với người sử dụng. Mới đây, Facebook – mạng xã hội có số người dùng đông nhất hành tinh – đã triển khai tính năng truyền video trực tiếp cho tất cả người dùng sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng có cài hệ điều hành iOS.

Ai cũng làm được truyền hình

Với tính năng livestream, Facebook cho phép bất cứ người dùng nào cũng có thể làm truyền hình trực tiếp và “phát sóng” toàn thế giới. Tất nhiên, tính năng mới này cũng còn những hạn chế: thời lượng tối đa cho mỗi lần trực tiếp là 30 phút, một số dòng máy chạy các hệ điều hành khác như Android, RIM, Windows Phone… chưa khai thác được.
Chỉ cần bấm vào vị trí cập nhật trạng thái mới, sau đó chọn nút “Live Video” ở đó, viết thêm một số nội dung giới thiệu về sự kiện hoặc nhân vật sẽ truyền video trực tiếp và quyết định chia sẻ video ấy tới những ai rồi bấm máy ghi hình, ta sẽ có một đoạn video được truyền trực tiếp. Người xem có thể bình luận, bàn bạn, thể hiện thái độ qua các biểu tượng của facebook về đoạn video ấy…
Khi tính năng live video này phổ biến ở Việt Nam thời gian gần đây, giới báo chí, giới showbiz rất hồ hởi khai thác.
Một vụ cháy, một vụ tai nạn, một sự kiện có tính chất thời sự như khánh thành cây cầu mới, ra mắt bộ phim, album v.v… có thể dễ dàng đưa tin, thậm chí độc quyền tin tức trên facebook và dẫn lại trên các trang báo trực tuyến.
Livestream show thực hiện trên facebook (fanpage) của ca sĩ Mỹ Tâm hôm 1/4 thu hút hơn 400.000 lượt theo dõi và hơn 30.000 lượt bình luận. Nhiều ca sĩ khác như Khởi My hay Noo Phước Thịnh cũng truyền hình trực tiếp bằng di động trước giờ diễn qua tính năng của facebook. Những live video này kéo theo hàng ngàn bình luận và hàng trăm ngàn lượt người xem, tương tác bình luận – con số cao gấp mười lần số vé bán ra cho một đêm diễn.
Ai cũng có thể làm trực tiếp truyền hình nhưng không phải ai cũng thu hút được đông đảo người xem, tùy mức độ nổi tiếng của người sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, có thể thấy, với tính chất đại chúng của facebook, nhiều sự kiện được những facebooker bình thường truyền video trực tiếp trên mạng vẫn được đông đảo người xem và chia sẻ, như hình ảnh trục vớt nhịp dầm cuối cùng của cầu Ghềnh ở Biên Hòa, hình ảnh chen lấn trong lễ hội đền Hùng mới đây…
Tính năng live video này cũng đang hứa hẹn được khai thác ứng dụng trong nhiều lĩnh vực: học tập từ xa, chẩn đoán bệnh hỗ trợ điều trị ở các cơ sở y tế vùng sâu v.v… và đặc biệt: làm báo hình. Nhiều cơ quan báo chí đã không bỏ qua dịch vụ mới này của facebook. Gần đây, hàng loạt sự kiện đã được trực tiếp truyền hình. Ví dụ, báo Người Lao Động tổ chức truyền hình trực tiếp buổi họp báo của Công an TP.HCM về vụ quán Xin Chào bị khởi tố qua trang facebook của báo đồng thời dẫn link lại trên trang web của báo. Báo Thanh Niên online cũng tổ chức truyền hình trực tiếp cuộc họp báo của Bộ Tài nguyên – Môi trường về vụ cá chết ở miền Trung.

Truyền thông xã hội không phải là báo chí
Và có một câu hỏi lớn được đặt ra: Khi ai cũng có thể đưa tin video trực tiếp từ hiện trường, liệu báo chí truyền hình có bị truyền thông xã hội lấn át không? Khi Internet có thêm hàng trăm, hàng ngàn “đài truyền hình” cá nhân, liệu các đài truyền hình nhà nước có bị lấn sân không?
Tính năng livestream của một số mạng xã hội hiện nay cho phép bất cứ ai, ở bất cứ không gian nào trên thế giới (miễn là có kết nối internet) đều có thể tường thuật video sự kiện trực tiếp vượt qua mọi rào cản địa lý, thậm chí quy định pháp lý. Đó là một phát minh công nghệ tiếp tục cung cấp thêm cơ hội để ai cũng có thể “làm báo” và truyền thông xã hội dần trở thành một lực lượng sản xuất với thế mạnh tập hợp số đông, thúc đẩy tự do cá nhân và tinh thần dân chủ. Đó cũng là một phát minh công nghệ thách thức báo chí truyền hình truyền thống. Công chúng truyền thông hôm nay có thể được biết đến nhanh hơn các sự kiện diễn ra ở nhiều ngóc ngách đời sống mà báo chí chuyên nghiệp có khi chưa tiếp cận được.
Nhưng điều đó không đồng nghĩa với chuyện ranh giới giữa báo chí chính thống và mạng xã hội ngày càng xóa nhòa. Vì sao ư? Truyền thông xã hội vốn là mô thức truyền thông liên cá nhân nhằm chia sẻ ý tưởng, sự kiện; chủ thể thông tin là các cá nhân – thậm chí là các nguồn ẩn danh, hoàn toàn không chịu trách nhiệm trước cộng đồng, thông tin trên môi trường truyền thông xã hội đa phần có tính cá nhân, không được kiểm chứng bằng các thủ pháp báo chí chuyên nghiệp, không chịu trách nhiệm về giá trị thông tin, độ tin cậy của thông tin.
Tính năng livestream của mạng xã hội có thể ứng dụng để hỗ trợ cho việc học tập từ xa, cho các sinh hoạt tập thể, sinh hoạt gia đình, hoạt động nghiên cứu, hoạt động khoa học v.v… chứ không chỉ là “làm báo”. Và người dùng cá nhân đa phần không thể có thiết bị và năng lực ghi hình chuyên nghiệp để có thể làm tốt việc đưa tin. Đừng tưởng video được truyền trực tiếp là thông tin có độ tin cậy. Góc máy, bố cục không bao giờ là khách quan trước một sự kiện mà truyền thông xã hội vốn thể hiện cảm xúc, bình luận có tính cá nhân; có khi tự nhiên, hồn nhiên, và thậm chí, phá cách, lệch chuẩn.
Nhưng, công bằng mà nói, công nghệ livestream phát triển cũng góp thêm một cánh tay hỗ trợ cho hoạt động báo chí truyền hình và yêu cầu tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề báo hình ngày càng được nâng cao hơn.

1- PV BACH HOAN LIVE VIDEO
PV Bạch Hoàn (VTV24) truyền trực tiếp cuộc họp báo từ Formosa Hà Tĩnh lên trang facebook cá nhân thu hút có lúc đến hơn 80 ngàn người xem.

2 - video tren fanpage bao nld

Các video được lưu sau trực tiếp trên fanpage (Facebook) của báo Người Lao Động

THUỐC LÁ, TIẾT CANH, SHISHA VÀ GÁI MẠI DÂM

1. Nếu bây giờ vào thư viện lật lại những trang báo cũ cách nay 20 – 30 năm, sẽ không khó để tìm thấy nhiều tin bài về an ninh trật tự mà trong đó, hình ảnh các cô gái mại dâm chưa đến tuổi thành niên được in rõ mặt, nêu rõ tên.

Chuyện đưa hình những cô gái mại dâm (mà không xóa mặt) trên truyền thông trong hầu hết trường hợp được xem là sự ứng xử nhẫn tâm. Và đó là điều mà nhà báo nào, tòa soạn nào trong giai đoạn hội nhập hôm nay cũng biết. Thế nhưng, có một thời, những hiểu biết về đạo đức báo chí của một bộ phận không nhỏ người làm báo Việt rất sơ sài. Các lỗi vi phạm đạo đức thường được nhắc đến nhiều vẫn chỉ là chuyện thông tin sai sự thật (do phóng viên bịa ra), thông tin méo mó (sai một phần), đưa tin không khách quan v.v… Ít ai để ý đến những chuyện như nhà báo không quan tâm đến hậu quả của thông tin, nhà báo dửng dưng trước sự thật, nhà báo lạm dụng quyền lực v.v… mà những biểu hiện vi phạm đạo đức có khi chỉ thể hiện qua một câu phỏng vấn, một góc máy, một hình ảnh bị dàn dựng, một đoạn trả lời của nhân vật bị cúp cắt, một hình thức lạm dụng nhập vai để gài bẫy đối tượng…

Những nhà báo thế hệ 5X, 6X giờ nhìn lại một số bài viết, câu chuyện tác nghiệp của mình thuở ấy đã phải giật mình: Có một thời mình đã vi phạm đạo đức hết sức hồn nhiên!

2. Một giảng viên báo chí kể rằng, cách đây khoảng một năm, chị hướng dẫn một nhóm sinh viên làm phóng sự truyền hình về tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng ở thành phố Hồ Chí Minh. Trước khi các bạn đi ghi hình, giảng viên ấy dặn dò kỹ lưỡng. Yêu cầu đầu tiên là những nhân vật vi phạm quy định hút thuốc lá nơi công cộng phải được ghi hình trong bối cảnh có biển hiệu cấm hút thuốc. Hai là hình ảnh phỏng vấn (thực chất là hỏi chuyện) các nhân vật vi phạm phải được quay qua vai hoặc quay cảnh rất rộng để không dễ dàng nhận diện nhân vật. Các em sinh viên đã tuân thủ nghiêm túc yêu cầu ấy trong quá trình tác nghiệp, cân nhắc chọn lựa từng cảnh kỹ lưỡng khi dựng hình. Nhưng khi phóng sự được chiếu lên, giảng viên mới phát hiện ra một sai phạm khác: các sinh viên đã đóng giả âm thanh nhân vật. Vì ghi hình từ xa, âm thanh đối thoại của nhân vật không rõ, các sinh viên đã nhờ một người khác “lồng tiếng” đúng nội dung phát ngôn của người được phỏng vấn. Nhưng, sự khác biệt giữa không gian bối cảnh của hình ảnh và tiếng động nền thì không giấu được. Âm thanh nền của bối cảnh đã “tố cáo” chuyện “dàn dựng” ấy.

3. Mấy năm trước, khi dịch cúm H5N1 xuất hiện, người dân được các chuyên gia y tế khuyến cáo không nên ăn tiết canh gia cầm. Tuy nhiên, đó chỉ là khuyến cáo, còn chuyện ăn tiết canh thì ai cũng biết là không hề vi phạm pháp luật lẫn đạo đức. Một phóng viên trẻ của đài truyền hình nọ khi thực hiện phóng sự cảnh báo về tình trạng buôn bán tiết canh đã tìm đến một số quán nhậu, quán cháo vịt ở nông thôn để ghi hình. Phóng viên này cũng nhờ một số khách hàng “hợp tác” để có thể ghi hình cận gương mặt, cùng những động tác phản cảm rồi dựa trên những hình ảnh đó để phê phán hiện tượng sử dụng tiết canh tràn lan. Khi phóng sự lên sóng, nhiều “người trong cuộc” đã thật sự sửng sốt khi nhận ra ý đồ của nhà báo. Rất may cho anh phóng viên này là họ chỉ gọi điện đến cơ quan đài để chửi vì bức xúc chứ không kiện.

4. Mới đây, phóng sựKhi áo trắng học sinh chìm trong khói trắngnói về chuyện học trò hút shisha do VTC14 Đài truyền hình kỹ thuật số VTC thực hiện đang ồn ào trên truyền thông. Nhiều người đã phản ứng gay gắt trước việc dàn dựng, gài bẫy của nhà báo khi thực hiện tác phẩm, cho dù những người thực hiện nhân danh nội dung “cảnh báo về một hiện tượng tiêu cực trong đời sống giới trẻ”.

Câu chuyện cho thấy, cách tác nghiệp của nhóm phóng viên đã vi phạm nguyên tắc thu thập và xử lý thông tin, vi phạm nguyên tắc đạo đức báo chí rất rõ.

Được biết, tác giả chính của phóng sự này là sinh viên của một trường không đào tạo báo chí và chỉ đang thực tập, cho nên chúng tôi hy vọng đây chỉ là sự vi phạm đạo đức hồn nhiên do thiếu hiểu biết.

 

***

Những nhân vật trong ba tác phẩm truyền hình về thuốc lá, tiết canh và shisha nói trên đều bị đối xử không công bằng, thậm chí có phần nhẫn tâm, dù có thể là vô tình. Ba câu chuyện nhỏ ấy cho thấy một vấn đề lớn trong đời sống truyền thông hiện nay: Việc trang bị những hiểu biết về nguyên tắc đạo đức nghề cho người làm báo vẫn còn là khâu yếu, rất yếu ở nước ta. Chúng ta nói quá nhiều về lòng trung thành, về tính kiên định nhưng ít chỉ ra những nguyên tắc tác nghiệp thông qua những tình huống đạo đức cụ thể cho nhà báo trẻ.

Đạo đức báo chí là những nguyên tắc xử sự đúng đắn trong hoạt động nghề trên cơ sở lí tưởng và trách nhiệm đạo đức, trên cơ sở lương tâm và lòng tự trọng của nhà báo. Nhưng đời sống báo chí hết sức đa dạng và không phải trường hợp nào cũng dễ dàng chọn lựa đúng, sai, nên hay không nên. Đạo đức cũng không phải tự nhiên mà có, nó cần được rèn luyện. Và trong chuyện này, vai trò của cơ quan báo chí hết sức quan trọng.

NHẬP NHÈM BAO CẤP THỊ TRƯỜNG

Xã hội hóa truyền hình, hay nói cách khác là hoạt động liên kết giữa các đài với đối tác là những công ty tư nhân để sản xuất một phần hoặc toàn bộ sản phẩm truyền hình, đã diễn ra hơn 10 năm qua, được bàn khá nhiều trong các hội thảo, diễn đàn hay trên báo chí.

Thực tế cho thấy quá trình xã hội hóa truyền hình cũng góp phần làm khởi sắc đời sống truyền hình, góp phần thỏa mãn nhu cầu thông tin, giáo dục, giải trí ngày càng phong phú của người dân, góp phần tăng cường nguồn lực (tài chính, kỹ thuật, nhân lực…) cho ngành truyền hình.

Bên cạnh những đóng góp lớn, hoạt động liên kết lâu nay cũng còn nhiều bất cập: từ xu thế thương mại hóa, câu chuyện “bán sóng”, cạnh tranh không lành mạnh, nhập siêu sản phẩm truyền hình… đến những sơ sót, sai sót về nội dung, sai phạm những quy định (quảng cáo dư thời lượng, quảng cáo không phù hợp…), bội thực các chương trình truyền hình thực tế dạng giải trí…

Những bất cập này xuất phát từ một “mâu thuẫn” trong quản lý:

Truyền hình là một loại hình báo chí nhưng đồng thời cũng là một ngành dịch vụ. Chúng ta thừa nhận kinh tế thị trường, nhưng có vẻ như chúng ta chưa thật sự thừa nhận tính đa sở hữu trong hoạt động kinh tế truyền hình.

Đành rằng Luật báo chí hiện hành không cho phép thực hiện hoạt động “mua kênh”, “bán sóng”, “tư nhân hóa báo chí” (việc liên kết sản xuất chương trình truyền hình vẫn dựa trên nguyên tắc đài chịu trách nhiệm về nội dung chương trình), nhưng trong thực tế dịch vụ truyền hình đã chạy trong quỹ đạo của cơ chế thị trường.

Cũng cần nói thêm, hầu hết nội dung liên kết sản xuất đều ở mảng giải trí. Hiếm có đơn vị tư nhân nào tham gia sản xuất các nội dung thông tấn báo chí (tin tức, chính luận…). Ở nhiều nước trên thế giới, mô hình truyền hình công và truyền hình thương mại tồn tại song song.

Hai mô hình này khác nhau không chỉ ở nội dung mà quan trọng là ở phương diện kinh tế. Truyền hình thương mại cố thu hút khách hàng để tăng lợi nhuận, truyền hình công cộng ra sức phục vụ cộng đồng như một thiên chức.

Ở Việt Nam, dù không thừa nhận truyền hình tư nhân nhưng nó vẫn tồn tại trong thực tế. Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Nếu cứ nhập nhèm quản lý (nhà nước – tư nhân), nhập nhèm kênh (quảng bá, công cộng và kênh thương mại), nhập nhèm giữa thị trường và bao cấp thì tình trạng “lách”, “con cưng” còn dài dài.

Dù đã có nhiều cải thiện nhưng hệ thống truyền hình ở Việt Nam hiện nay vẫn chịu sự quản lý theo cơ chế xin – cho, theo mệnh lệnh hành chính, theo kiểu nửa bao cấp – nửa thị trường.

“Sở hữu tư nhân” trong dịch vụ truyền hình – nhất là truyền hình giải trí – là xu thế. Vấn đề là “truyền hình nhà nước” phải giữ vai trò chủ đạo như thế nào trong hoạt động kinh tế này và cơ quan quản lý nhà nước có giải pháp quản lý hữu hiệu để hạn chế những bất cập mà công luận lên tiếng lâu nay.

NẾU BÁO CHÍ BỊ BUỘC PHẢI BỎ TRẬN ĐỊA

Trong số những người nhận giải thưởng Giải báo chí TP.HCM hôm 19/6/2014 rồi, có một gương mặt không phải nhà báo, cũng không phải cộng tác viên báo chí như thông lệ: cô giáo Tòng Thị Minh ở Điện Biên, người quay clip “chui vào túi nilông để qua suối” nổi tiếng.

Cách nay hơn tuần lễ, câu chuyện bức xúc và mối tình của ông già Đan Mạch Kurt Leander Jensen Lendar – bà Tiêu Thị Ngọc Sang đã làm lay động nhiều độc giả. Những bài báo ấy cũng khởi đi từ một “phát hiện” của cư dân mạng.

Thời đại thiết bị cầm tay có kết nối internet cho phép thông tin được sản xuất trên những màn hình cảm ứng mọi lúc, mọi nơi. Ai cũng có thể làm người đưa tin, bình luận. Truyền thông phi chính thống phát triển cực nhanh và hiện đang bao quát hầu hết các lĩnh vực một cách nhanh nhạy. Nhiều mạng xã hội giờ đây thành một kênh thông tin có biên độ rộng, cường độ lớn. Bên cạnh yếu tố tích cực, môi trường truyền thông này còn tiềm ẩn những tác hại do thông tin sai sự thật, bị bóp méo. Điều này không có gì khó hiểu bởi truyền thông xã hội (social media) vốn là mô thức truyền thông liên cá nhân nhằm chia sẻ ý tưởng, sự kiện; chủ thể thông tin là các cá nhân – thậm chí là các nguồn ẩn danh, hoàn toàn không chịu trách nhiệm trước cộng đồng; nhưng nó thành hoạt động báo chí không chính thức nhờ bản chất toàn cầu của internet.

Điều oái ăm là trong nhiều trường hợp, nhiều thời điểm, truyền thông xã hội lại đóng vai trò như một dòng chảy chủ lưu trong sinh hoạt thông tin. Vì sao? Công chúng luôn có nhu cầu được thỏa mãn thông tin không giới hạn và báo chí có trách nhiệm cung cấp thông tin, tìm ra sự thật để phục vụ nhu cầu ấy. Nhưng, không phải sự thật nào cũng có thể công khai bởi báo chí phải vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, cộng đồng. Mâu thuẫn ấy tạo ra “vùng đệm thông tin” giữa truyền thông chính thống và truyền thông xã hội. Từ rất sớm, tin đồn vẫn tồn tại song song với báo chí.

Tin đồn hôm nay được chắp cánh to, rộng, khỏe nhờ Internet. Và trong thế giới thông tin đa dạng, phức tạp hôm nay, câu hỏi đặt ra cho báo chí là làm thế nào để giữ vững trận địa trước sự lớn mạnh của truyền thông xã hội?

Dù có thừa nhận hay không, dù có định danh thế nào, truyền thông xã hội vẫn đang tồn tại và phát triển. Công chúng vẫn đặt niềm tin vào báo chí với tính chuyên nghiệp trong thu thập và phân phối thông tin. Nhưng trong nhiều trường hợp, nếu báo chí bị buộc phải bỏ trận địa, không dám đối diện trước sự thật, tin đồn thời internet sẽ thay thế. Công chúng sẽ tìm đến các nguồn không chính thức để thoả mãn.

Báo chí ở Việt Nam – trên lý thuyết – là cầu nối giữa ý chí của nhà quản lý xã hội với “lòng dân”, là cơ quan của tổ chức chính trị -xã hội, cơ quan của nhà nước, đồng thời là “tiếng nói của người dân”. Để báo chí thực sự là món ăn thông tin chính yếu, xác lập đúng vai trò của mình trong bối cảnh truyền thông hôm nay, ngoài nỗ lực tự thân của đội ngũ làm báo, công tác quản lý phải tạo ra không gian thông thoáng, giảm bớt các “vùng cấm” để nhà báo và công chúng thực sự trở thành đồng chủ thể trong các sản phẩm truyền thông hôm nay.

BÁO CHÍ THỜI DI ĐỘNG

Sự phát triển của công nghệ thông tin, tác động của quá trình toàn cầu hóa cũng như sự phát triển kinh tế – xã hội những năm qua đã tạo ra những ảnh hưởng mạnh mẽ đến báo chí – truyền thông trong nước cả về lượng và chất, cả về nội dung thông tin và phương pháp thu thập xử lý thông tin, cả về tiềm lực được tích lũy cũng như khả năng tác động vào đời sống xã hội…

 

Từ làm báo bằng điện thoại

Những năm gần đây, tốc độ thông tin và phản hồi trên báo chí được rút ngắn nhờ các thiết bị cầm tay đã trở thành phương tiện sản xuất và truyền nội dung tin tức dưới dạng văn bản, ảnh, video, âm thanh cực kỳ nhanh nhạy.

Một chiếc điện thoại nhỏ, một cái máy tính bảng mỏng giờ đây đã trở thành công cụ săn tin đắc lực cho cả nhà báo chuyên nghiệp lẫn những người “ngoại đạo”, nhất là tác nghiệp trong những tình huống sự kiện đặc biệt, tại các khu vực đặc biệt. Thực tiễn báo chí thế giới và Việt Nam chứng minh rất rõ điều đó. Nhiều thước phim ra đời từ các thiết bị cầm tay đã trở thành nổi tiếng nhờ tính báo chí nhanh nhạy của nó.

Bên cạnh chức năng chụp ảnh, quay phim, ghi âm, soạn thảo văn bản… thiết bị di động với sự hỗ trợ của công nghệ 3G đã trở thành cơ chế truyền dữ liệu qua internet cực kỳ hữu hiệu. Một tấm ảnh chụp tại sân vận động của làng SEAGAMES hay giữa vùng bão lũ có thể đưa ngay lên mạng chỉ bằng vài cú click chuột. Nhưng thiết bị di động không chỉ là công cụ làm báo, nó còn là phương tiện đọc báo, tiếp xúc với truyền thông đa phương tiện. Công chúng báo chí với thiết bị di động trong tay giờ đây có thể đọc báo mọi lúc mọi nơi và tham gia phản hồi, cộng tác cho báo chí.

Làm báo bằng thiết bị di động là xu hướng truyền thông đã và đang phát triển cực nhanh trên khắp thế giới. Các phần mềm phục vụ làm báo bằng thiết bị di động và các ứng dụng trên mạng xã hội phát triển mạnh hai năm qua. Những khái niệm như mobile reporting (tường thuật qua di động), mobile journalist (nhà báo “di động”) đang trở thành phổ biến và được xem như một “giải pháp” tất yếu cho tin tức hiện đại. Mobile reporting cũng rất phù hợp với các nền báo chí ở các nước nghèo, khi những thiết bị chuyên nghiệp còn quá đắt tiền và khó thích nghi, đồng thời, giúp cho nhà báo có khả năng tư duy đa phương tiện, cơ động, làm được nhiều vai trò để đem lại nhiều lựa chọn thông tin cho công chúng.

 

Đến làm báo cho điện thoại

Lịch sử chứng minh rằng sự phát triển của báo chí gắn liền với phát minh công nghệ. Từ thời của những người kể chuyện và hát rong, con người đã có nhu cầu truyền bá thông tin cho cộng đồng. Sự ra đời của kỹ thuật in rồi đến phát thanh, truyền hình và Internet đã thúc đẩy tiến trình phát triển báo chí hơn 400 năm qua. Internet và sự phát triển công nghệ quá nhanh những năm gần đây đã tăng tốc tiến trình hội tụ truyền thông, đưa báo chí phát triển mạnh mẽ theo xu hướng đa phương tiện, đa dạng hóa thông tin đồng thời với chuyên biệt hóa đối tượng và tăng cường vai trò và sức mạnh tác động xã hội của nó.

Sự phát minh ra các thiết bị di động đa chức năng (ghi hình, ghi âm, nghe phát thanh, chụp ảnh, lưu trữ, lướt web, định vị vệ tinh, soạn thảo văn bản, xem mail…) là biểu hiện rõ nét của xu hướng hội tụ truyền thông, đồng thời, dẫn đến sự ra đời của một hình thức báo chí mới: báo chí cho di động.

Nội dung báo chí hiện nay bắt đầu có những thay đổi trong quy trình sản xuất cho phù hợp với cách tiếp nhận thông tin trên những thiết bị mới vì công nghệ “di động” tạo ra một thói quen “đọc” báo mới.

Cùng với xu hướng chung đó, báo chí Việt Nam cũng có những nỗ lực công nghệ đáng kể. Cách đây vài ba năm, trào lưu làm wap, rồi app cho smartphone phát triển khá mạnh. Nhiều báo online đều có wap, một số báo đã xây dựng các ứng dụng (app) cho điện thoại thông minh và máy tính bảng như Moza (Tinh Vân), Socbay iMedia (Naiscorp), Tin ngắn (Viettel), Báo Mới (ePi), Thanh Niên (báo Thanh Niên), Người Đưa Tin (Netlink), Vitalk (FPT – nguyên thuỷ là một sản phẩm hỗ trợ chat Yahoo trên di động thành một mạng xã hội tin tức cho mobile). Ứng dụng đọc báo trên di động của báo Thanh Niên vừa đạt giải vàng giải thưởng Truyền thông kỹ thuật số châu Á năm 2013 của Hiệp hội Báo chí thế giới (WAN-IFRA). Việt Nam plus của TTXVN cũng có nhiều tìm tòi trong khai thác infographics (đồ họa thông tin) trong thể hiện nội dung trên các thiết bị di động v.v…

Số lượng thuê bao 3G và người sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng ở Việt Nam ngày một tăng lên trong những năm gần đây. Báo chí mobile ở Việt Nam cũng đang phát triển và có nhiều tìm tòi về hình thức để thể hiện nội dung tác phẩm phù hợp với thói quen dùng màn hình cảm ứng của công chúng. Các lớp học để đào tạo lại nhà báo cách đưa chọn góc tiếp cận, chụp ảnh, ghi hình, ghi âm khi thông tin cho kênh phát hành báo chí mới này đã bắt đầu diễn ra ở Việt Nam trong năm qua…

 

“Báo chí công dân”: đối thủ hay đối tác?

Khái niệm báo chí công dân (citizen journalism) được nhắc tới ở Mỹ hơn 50 năm trước, từ vụ ám sát Tổng thống Mỹ John F.Kennedy ngày 22/11/1963 khi một nhà nhiếp ảnh nghiệp dư tình cờ ghi lại được khoảnh khắc kinh hoàng này và nhiều hãng truyền thông đã chạy đua để mua lại. Trong thế kỷ 21, nhiều sự kiện lớn như thảm họa 11/9/2001, trận sóng thần ở châu Á 2004 hay vụ đánh bom tàu điện ngầm ở London 2005 đều được ghi lại bằng điện thoại di động, máy ảnh của những người không làm báo chuyên nghiệp.

Ở Việt Nam những năm gần đây, nhiều sự kiện báo chí nổi đình đám cũng bắt đầu từ thông tin của công dân qua những tấm ảnh, những video clip nghiệp dư như vụ công an Quảng Ninh bắt mại dâm, bảo mẫu hành hung trẻ em ở Bình Dương hay các chiến sĩ bộ đội trẻ ăn thịt vọc ở Tây Nguyên…

“Báo chí công dân” ngày nay còn được chắp thêm đôi cánh nhờ mạng xã hội – một dịch vụ dựa trên nền tảng internet giúp người sử dụng kết nối với nhau theo các nhóm quan hệ xã hội nhất định, do nhu cầu chia sẻ lợi ích, hoạt động, sở thích của những nhóm xã hội trên cơ sở các hình thức tương tác của internet như gửi email, chat, gửi tin nhắn, chia sẻ hình ảnh, video, âm thanh, dữ liệu và những bình luận…

Từ khi du nhập vào Việt Nam, mạng xã hội đã trở thành một công cụ truyền thông “trẻ” có sức thu hút mạnh công chúng. Chức năng chia sẻ của mạng xã hội được giới trẻ khai thác thành một công cụ phục vụ cộng đồng với nhiều hoạt động từ thiện, nhiều phong trào yêu nước, nhiều hình thức học tập và trao đổi tri thức kỹ năng. Nhưng, quá trình phát triển mạng xã hội ở Việt Nam cũng khá xô bồ: thật giả, tốt xấu lẫn lộn. Bên cạnh việc ứng dụng cho những mục đích tốt, môi trường này cũng đang hàm chứa những thông tin độc hại, cực kỳ nguy hiểm. Ở góc độ báo chí, mạng xã hội mà nổi bật là mạng Facebook, lâu nay cũng trở thành “miếng mồi” của không ít tờ báo và trang mạng có xu hướng “lá cải”.

Nhưng đó là những mảng tối trong bức tranh toàn cảnh của báo chí, công bằng mà nói, mạng xã hội cũng đã góp công sức cho báo chí hiện đại tăng cường sức tác động. Từ việc góp phần thu thập, cung cấp thông tin, đề tài, đến việc làm cầu nối giữa công chúng – tòa soạn và các bên liên quan, xây dựng mạng lưới các nguồn tin và cộng tác viên, quảng bá các tác phẩm báo chí và tạo sân chơi để cộng đồng cùng tham gia góp ý cho sản phẩm báo chí, mạng xã hội đã được xem là “đối tác” với truyền thông chính thống.

Tất nhiên, ngày nay, công chúng có quá nhiều kênh để tiếp cận và tự sản xuất, xuất bản thông tin ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào nhưng đa phần đó là những thông tin có góc nhìn chủ quan, cảm tính. Món ăn tinh thần của công chúng vẫn là báo chí chính thống với tính khách quan, chính xác, độ tin cậy và chất lượng thông tin cao hơn.

Công nghệ thời di động mang lại những thói quen “đọc” báo mới cho công chúng và đó cũng là thách thức cho giới làm báo trước nhiệm vụ giữ vững trận địa thông tin hôm nay.

TRUYỀN HÌNH THỰC TẾ KHÔNG CÓ LỖI

Gần đây, chuyện hậu trường của một số chương trình giải trí truyền hình đã kéo giới truyền thông vào cuộc. Những ồn ào dư luận ấy được lý giải dưới nhiều góc độ, trong đó có cả chuyện kinh doanh, thị trường. Đôi nơi, đôi chỗ trong các cuộc bàn luận trên truyền thông ấy, có ý kiến đổ tội cho “truyền hình thực tế”. Vậy, truyền hình thực tế là gì và liệu “nó” có phải là tội đồ trong các scandal làm tốn giấy mực dân báo chí thời gian qua?

 

Đôi điều về một khái niệm

Truyền hình thực tế (reality television) không phải là một thể loại truyền hình mà là một phương thức làm truyền hình mới, có nhiều điểm khác với cách làm truyền thống vốn nặng về dàn dựng, sắp xếp và có sự can thiệp sâu của nhóm thực hiện, kể cả khi đó là chương trình được truyền trực tiếp.

Truyền hình thực tế ra đời với “triết lý” là cố gắng chống sự giả tạo, làm thế nào để ống kính có thể ghi được những tình huống, hoàn cảnh và sự kiện thật, ít sắp đặt trước. Ít sắp đặt chứ không phải không sắp đặt, tất nhiên tùy thể loại được sản xuất. Ví dụ, phóng viên theo chân một nhóm cảnh sát vào ổ tội phạm để săn bắt cướp, nếu đoạn clip ghi hình có những chỗ phản cảm, trước khi phát sóng, nhà sản xuất cũng sẽ cắt bỏ.

Điều nhiều người hay nhầm lẫn lâu nay là đồng nhất các chương trình giải trí theo phương thức mới này với “truyền hình thực tế”. Nhưng trên thế giới cũng như ở Việt Nam, phương thức truyền hình thực tế được áp dụng cho rất nhiều thể loại như tin tức, phóng sự, tọa đàm, trò chơi, phim tài liệu… Một trong các dạng truyền hình thực tế có tính giải trí được nhiều đài trên thế giới khai thác và hiện rất phổ biến là hình thức Quay lén (Hidden cameras) hoặc Chơi khăm (Hoaxes). Nhà sản xuất tạo ra một tình huống để ghi lại phản ứng bất ngờ của nhiều người khi gặp tình huống đó nhằm tạo ra tiếng cười. Tất nhiên, những clip ghi lại đều được sự đồng ý sau đó của nhân vật bị ghi hình mới được phép phát sóng.

Nhân vật chính trong các chương trình thực tế rất phong phú: có thể là những người bình thường, chọn ngẫu nhiên hoặc những khán giả tự giác tham gia, hoặc những những nhân vật nổi tiếng được lựa chọn theo những tiêu chí riêng của từng chương trình. Đó có thể là những cá nhân được lựa chọn tham gia vào một cuộc thi tài năng, kiến thức, hay vận động, hoặc chỉ là vô tình rơi vào những tình huống chơi khăm trớ trêu.

Công nghệ sản xuất tạo cho khán giả cảm giác các nhân vật của chương trình đang sống thật trong tình huống, không hề ý thức rằng mình bị ghi hình, và câu chuyện, diễn biến của chương trình, tác phẩm thường có những điểm bất ngờ thú vị.

 

Trong sân chơi toàn cầu hóa

Hiện cũng chưa ai khẳng đinh truyền hình thực tế ra đời từ lúc nào bởi sự phát triển của phương thức mới này là một quá trình, quá trình ấy có sự tự hoàn thiện. Nhưng các nhà nghiên cứu đều thống nhất nhau rằng ý tưởng làm truyền hình thực tế bắt đầu từ nước Mỹ và được gợi ý từ… phát thanh vào thập niên 1940.

Từ những năm 1990 đến nay, truyền hình thực tế đã trở thành một hiện tượng trên toàn thế giới với sự bùng nổ với hàng loạt chương trình lớn như Survivor (Người sống sót), American Idol (Thần tượng Mỹ), Top Model (Siêu mẫu), Dancing with the stars (Khiêu vũ với sao), The Apprentice (Người học việc), Fear factor (Yếu tố sợ hãi), Big brother (Đại ca)…

Big Brother là chương trình truyền hình trong đó nhân vật tự nguyện tham gia là những người cặp nam – nữ sống chung trong một căn nhà trong suốt 10 tuần trong những điều kiện thiếu thốn. Mọi sinh hoạt “từ A đến Z” trong suốt 24/24h của các nhân vật đều được ghi hình và chọn để phát cho khán giả xem. Khán giả bình chọn cho các cặp và hàng tuần sẽ có những cặp thí sinh bị loại vì ít phiếu. Đôi thắng cuộc sẽ được giải thưởng rất cao.

Ở châu Á, Hãng truyền hình Nippon (Nhật) cũng đã thành công với một show về trẻ em với tên gọi Hajimete no Otsukai (được biết đến ở Việt Nam với phiên bản Con đã lớn khôn). Chương trình kể về kinh nghiệm đầu đời của một đứa trẻ khi không có ba mẹ bên cạnh. Những ứng xử hết sức ngây thơ hồn nhiên của các diễn viên nhí có sức thu hút người xem rất cao bởi ai cũng đã từng là trẻ con. Hay chương trình Family Outing (Hàn Quốc) với sự góp mặt của hàng loạt ngôi sao nổi tiếng như Hyori Lee, Kang Dae Sung (Big Bang), Yoo Jae Suk, Kim Soo Ro, Kim Joong Kook… Nội dung chương trình là chuyến đi dã ngoại về vùng quê của một “gia đình”, họ đến nhà một nông dân và ngủ lại, làm việc chăm chỉ như một nông dân thực thụ, từ gặt lúa, cho gia súc ăn, kéo lưới bắt cá, thu hoạch trái cây, cho đến cả lợp mái nhà… Hoặc You are the one là chương trình truyền hình thực tế của Đài Truyền hình Giang Tô (Trung Quốc) phát sóng vào 2010 dành cho 24 cặp nam nữ độc thân tìm hiểu và chọn đối tượng thích hợp cho mình.

Cùng với quá trình xã hội hóa và nỗ lực tìm tòi của ngành truyền hình Việt Nam, truyền hình thực tế đã có mặt ở Việt Nam hơn 7 năm qua. Đầu năm 2005, VTV3 có Khởi nghiệp cũng thu hút nhiều bạn trẻ. Cũng trong năm này, Vượt lên chính mình, Ngôi nhà mơ ước của HTV được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Nhưng có thể nói, Phụ nữ thế kỷ 21 (phát sóng 2006) mới thật sự là chương trình có “chất” truyền hình thực tế đầu tiên ở Việt Nam. Bấy giờ, chương trình này tạo được sự chú ý bởi tính tươi mới, chân thật và thẳng thắn. Lần đầu tiên trên sóng  truyền hình Việt, các nhân vật trong một cuộc thi được thoải mái bộc lộ quan điểm và cá tính…

Sau những bước tìm tòi các format truyền hình thực tế thuần Việt chưa được thành công, các chương trình chuyển nhượng bản quyền từ nước ngoài liên tục đổ bộ vào các kênh lớn ở Việt Nam như Vui là chính (Just for laughs), Vietnam Next Top Model, Vietnam’s Got Talent, Bước nhảy hoàn vũ (Dancing with the stars), Cặp đôi hoàn hảo (Just the two of us), Vietnam Idol, Hành trình kết nối những trái tim (Love ride) v.v…

 

Nguyên nhân của nguyên nhân

Phóng sự thực tế, phim tài liệu thực tế, talkshow thực tế ở Việt Nam cũng đã ra đời nhưng chưa có những chương trình, tác phẩm gặt hái thành công lớn. Đa phần khán giả biết đến truyền hình thực tế qua các chương trình giải trí được chuyển nhượng bản quyền từ nước ngoài.

Công bằng mà nói, cũng có nhiều những chương trình thuần Việt ít nhiều khai thác phương thức truyền hình thực tế rất thành công, đặc biệt ở khía cạnh nhân văn, nhân đạo: Như chưa hề có cuộc chia ly, Ngôi nhà hạnh phúc, Lục lạc vàng, Vượt lên chính mình, Khởi nghiệp, Sinh ra từ làng, Cầu Vồng v.v…

Nhưng đó không phải là sự thành công về doanh thu.

Nếu quan sát kỹ có thể thấy những nhãn hiệu quảng cáo có sự phân cấp rõ rệt trong các giữa các chương trình có bản quyền nước ngoài (thường một thương hiệu nổi tiếng tài trợ toàn bộ) và những chương trình “made in Vietnam”. Cả những chiến dịch truyền thông cho các chương trình cũng có sự phân cấp như thế.

Những chương trình truyền hình thực tế vừa gây tiếng vang vừa có được sự tài trợ lớn, thu hút nguồn quảng cáo cao đều là các thương hiệu truyền hình được chuyển nhượng bản quyền từ nước ngoài.

Idol là thương hiệu giải trí truyền hình thành công vào hàng bậc nhất trên thế giới với hơn 40 phiên bản ở các quốc gia. Mỗi năm, có hàng trăm ngàn người trên thế giới tham gia Idol để được thể hiện bản thân, để trở thành “thần tượng”. Về bản chất, đây chỉ là cuộc thi hát đơn ca trên truyền hình nhưng format chương trình tạo được sự cộng hưởng cao từ khán giả không chỉ từ chuyện âm nhạc. Có thí sinh chỉ hát vài câu. Hát không có dàn nhạc đệm. Nhưng cái “độc” của chương trình xuất phát từ phần thể hiện của thí sinh, phần tương tác giữa ban giám khảo và chuyện hậu trường của thí sinh. Những chi tiết “ngoài âm nhạc” này có khi góp phần quan trọng trong lá phiếu bình chọn (qua SMS) của khán giả đối với nhiều thí sinh. Giữa lúc khán giả đã bội thực những cuộc thi nặng chất hàn lâm, vốn chỉ là sân chơi cho những người đã ít nhiều được đào tạo thanh nhạc, Idol như làn gió mới đánh trúng tâm lý số đông: vừa thích thể hiện mình, vừa ngại thể hiện mình trên truyền thông.

Nhưng không chỉ có thế, các chương trình giải trí theo phương thức truyền hình thực tế mua bản quyền nước ngoài có chi phí sản xuất khá cao nên cần phải thu hồi vốn. Các nhà sản xuất ở Việt Nam cũng không quên khai thác kinh nghiệm sản xuất từ nhiều nước trên thế giới: chương trình càng tạo nhiều scandal với những ý kiến trái chiều trong dư luận, càng tăng rating người xem, càng tăng quảng cáo.

Vietnam Idol những năm qua có khá nhiều sự cố ồn ào: chuyện hiểu lầm giữa Siu Black và thí sinh Sơn Lâm, thông tin Uyên Linh nói xấu bạn thi, Đăng Khoa tung băng ghi âm “chửi thề” của Đức Anh… Bước nhảy hoàn vũ mùa thứ nhất có chuyện Ngô Thanh Vân dọa bỏ thi ngay trước đêm chung kết, mùa thứ hai có sự cố Thu Minh đạo ý tưởng trong đêm thi điệu samba. Vietnam’s Got Talent có sự cố đình đám liên quan đến Quỳnh Anh, thí sinh tuyên bố hát được 6 thứ tiếng và bà Nguyễn Thị Ngọ, mẹ của thí sinh này, qua một đoạn chương trình “ngoài lòng kịch bản” mà nhà sản xuất không cắt bỏ để tăng tính “thực tế” cho chương trình và qua những lá đơn kiện cáo được báo chí khai thác. Vietnam’s Next Top Model 2011 cũng ồn ào trên các trang mạng chuyện ban tổ chức cố tình sắp xếp sự đấu đá đố kỵ giữa các thí sinh trong chương trình. Hoặc gần đây, sự cố lộ clip có giọng nói của Phương Uyên, nguyên giám đốc âm nhạc của Giọng hát Việt (The Voice) để tố cáo sự sắp đặt, can thiệp của nhà tổ chức vào kết quả cuộc thi cũng là ví dụ tương tự.

Do nhu cầu thu hút sự quan tâm của khán giả mục tiêu, do đặc điểm của truyền hình thực tế, do thỏa thuận đã ký giữa các nhân vật và nhà tổ chức, những người sản xuất có quyền khai thác hình ảnh và chọn lựa những tình huống “thực tế” đặc biệt để phát sóng, khai thác những chuyện bên lề, thậm chí “khai thác” cả giới truyền thông để tạo sự quan tâm của dư luận. Và, nhà sản xuất cũng lường trước “hiệu ứng” của tình huống ấy sau khi phát sóng.

Lâu nay, chuyện lạm dụng scandal để thu hút công chúng không phải chỉ có ở các chương trình giải trí theo phương thức truyền hình thực tế và đây cũng không phải là chuyện mới mẻ gì.

 

Trên làn ranh nhân văn mong manh

Một scandal truyền hình thực tế lâu nay thường gắn liền với các hoạt động truyền thông trên nhiều phương tiện khác để khai thác những tranh cãi, xung đột ồn ào xung quanh các nhân vật (giám khảo, thí sinh, người nhà thí sinh, nhà sản xuất). Và nhờ đó, chương trình càng có sức thu hút, tăng rating khán giả. Thực tiễn sản xuất chương trình truyền hình giải trí trên thế giới cho thấy, những nhà tổ chức giỏi nghề không khó để có thể tạo ra các chiêu nhằm gây cảm giác khó chịu hay bất bình cho một bộ phận công chúng.

Nhiều người vì muốn được nổi tiếng, muốn được thể hiện mình thông qua vài phút xuất hiện trên màn ảnh nhỏ mà đã vô tình tự hạ thấp giá trị của bản thân hoặc trở nên cực kỳ lố bịch trong chương trình. Nhiều người vì quá bức xúc, tức giận (hoặc bị tức giận) có thể phát biểu rất “sốc” và quên mất hoặc không biết mình đang bị ghi hình ở hậu trường sân khấu. Nhiều nhân vật có hoàn cảnh éo le đã không hề biết mình được khai thác nhằm “lấy nước mắt khán giả”

Việc sử dụng hình ảnh của thí sinh, giám khảo trong chương trình là “quyền” của nhà sản xuất nhưng những sự chọn lựa chất “thực tế” như thế cũng cần được cân nhắc trên cơ sở đạo đức làm nghề, trên khía cạnh nhân văn của một chương trình giải trí.

Tất nhiên, sự cân nhắc “nên hay không nên” như thế không dễ dàng. Và chuyện dư luận có những ý kiến trái chiều cũng là điều dễ hiểu. Mặt khác, với một chương trình đang thu hút, “con dao hai lưỡi” của scandal có thể làm tổn hại đến uy tín nhà sản xuất nếu nó gây sốc, thất vọng, mất niềm tin khi công chúng đột nhiên phát hiện ra mình bị lừa dối, phát hiện ra những chuyện thiếu minh bạch. Theo ThS. Cù Thị Thanh Huyền, giảng viên Trường Cao đẳng PTTH 2, sự sắp đặt trong truyền hình thực tế cần có tiêu chí. “Tiêu chí ấy với tôi là tính nhân văn. Nhân văn trong từng sự chọn lựa chi tiết, từng cú máy, từng khung hình, cỡ cảnh; nhân văn trong kết cấu chương trình, trong mức độ nhận xét, trong sự chăm sóc và cảnh báo đối với thí sinh tham gia dự thi”, bà Huyền nhấn mạnh.

 

Đường đến chuyên nghiệp

Truyền hình thực tế vào Việt Nam còn mới mẻ và phải có thời gian để “nhập gia tùy tục”. Cũng như hiện nay, người Việt Nam chưa chấp nhận nổi hình ảnh đôi tình nhân hôn nhau nơi công cộng xuất phát từ quan niệm, từ văn hóa phương Đông, nhiều chương trình truyền hình thực tế có thể thích hợp với nước ngoài nhưng lại không thích hợp, thậm chí gây phản cảm đối với khán giả Việt Nam. “Vui là chính” là một ví dụ.

Thường cái mới bao giờ cũng không dễ chấp nhận cho nên một bộ phận khán giả phản ứng những gì mà họ cho là trái với quan niệm, phong tục tập quán lâu đời cũng là chuyện dễ hiểu. Ví dụ: Hình thức “tự thể hiện bản thân” của thí sinh hoặc cách phản ứng tự nhiên của Ban Giám khảo đối với nhiều khán giả hiện nay trong Vietnam Idol đôi lúc vẫn là chuyện thiếu “tế nhị”.

Nhưng, nói như thế, không có nghĩa là chúng ta phủ nhận một phương thức làm truyền hình mới trong quá trình hội nhập của truyền hình Việt. Truyền hình thực tế là môt xu thế, một lựa chọn bởi đó là sản phẩm của văn minh nhân loại.

Cần có cái nhìn đúng về một phương thức sản xuất nói chung, không nên dựa vào một vài hình thức, thể loại chương trình để “vơ đũa cả nắm” khi lên án.

Quá trình chuyên nghiệp hóa truyền hình ở Việt Nam những năm qua chứng minh năng lực tự hoàn thiện của đội ngũ làm truyền hình trong nước. Chúng ta tin rồi đây, sẽ có những chương trình truyền hình thực tế “made in Vietnam” có thể chuyển nhượng bản quyền cho nước ngoài, sẽ có nhiều nhà sản xuất biết Việt hóa triết lý “truyền hình thực tế” trong các chương trình mới để góp phần vào nhu cầu thông tin, giáo dục, giải trí của lớp khán giả mới vốn có nhiều quyền chủ động khi tham gia truyền thông, có nhiều kênh để “phát biểu” với nhà sản xuất, nhà đài.

NHÂN DỊP “PHÊ VÀ TỰ PHÊ”

Đối thoại giữa hai vợ chồng

 

TRƯỚC NGÀY KIỂM ĐIỂM:

– Phê và tự phê đợt này hổng biết có làm quyết liệt không…

– Đó là sinh hoạt bình thường mà!

– Anh nghĩ mình có sai phạm không?

– Làm sao mà tránh được!

– Nói thật đi, anh có tham nhũng không?

– Lấy đâu ra thứ đó?

– Anh tự thấy mình có lòng tự trọng không?

– Tất nhiên rồi!

– Người ta đồn anh cố giữ cái ghế vì muốn làm bệ đỡ cho con cái làm ăn, thăng chức…

– Làm gì có. Em cũng nghĩ vậy à?

– Anh vẫn trung thành với lý tưởng phục vụ nhân dân?

– Không gì có thể xoay chuyển anh được!

– Nếu tập thể chỉ ra khuyết điểm của anh, anh sẽ từ chức hay để người ta buộc thôi chức?

– Anh chả sợ chuyện đó!

– Blog, mạng xã hội sẽ lên tiếng về sai phạm của anh!

– Ai mà tin được. Anh chả quan tâm!

– Rồi đây quần chúng có thể tin được anh không?

SAU NGÀY KIỂM ĐIỂM, chịu khó đọc từ dưới lên

Ảnh mượn trên net, chỉ có tính chất trang trí

THƯ GỬI THỦ TƯỚNG

Kính gửi ngài David Cameron, Thủ tướng Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland!

Hôm đầu tuần, báo chí và mạng xã hội có phát đoạn video clip hình ảnh ngài đi cổ vũ cho hai vận động viên Tom Daley và Pete Waterfield thi môn nhảy cầu ở Trung tâm Bơi lội Olympic 2012, London. Là Thủ tướng mà ngài còn dành thời gian đi động viên các tuyển thủ quốc gia của mình như thế thật đáng quý.

Nhưng có điều ngài sơ suất quá, đó là việc ngài chọn phương tiện công cộng để đi. Hổng hiểu sao đã làm đến thủ tướng mà ngài vô tâm thế. Thời gian của ngài, sự an nguy của ngài là tài sản của nhân dân toàn Vương quốc, chọn đi tàu điện ngầm như thế quả là ngài thiếu trách nhiệm rồi. Quan chức nhỏ nhỏ ở xứ tui đi chùa, đi nhậu, đi đám giỗ, đi đám cưới… cũng dùng xe công có tài xế riêng để gìn giữ tính mạng và sức khỏe chứ!

Vẫn biết nước Anh của ngài nằm trong nhóm G20 văn minh, phát triển nên đi tàu điện ngầm cũng hổng khổ như chúng tôi đi xe buýt, xe đò hay xe gắn máy nhưng hiện nay London đang trong mùa Olympic 2012, có quá nhiều khách lạ, ngài lại không cho vệ sĩ đi cùng, rồi còn vui vẻ tán chuyện với các hành khách nữa thì mất cảnh giác quá. Các thế lực thù địch nhiều lắm, nhất là trong những ngày diễn ra sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này, ai biết chúng trà trộn trong hàng ngũ nhân dân thế nào?

Trên tàu điện ngầm, ngài đã tỏ ra hết sức tùy tiện khi trả lời phỏng vấn bọn báo chí, thậm chí còn để các hành khách hiếu kỳ quay phim bằng i-Phone. Sơ suất quá, sơ suất quá. Ngài cần phát biểu gì với báo chí thì cứ nói đám thư ký nó viết ra, Nội các cho ý kiến, thông qua Công đảng coi lại tí cho chắc ăn rồi mình phát. Nói vo như thế dễ hớ lắm.

Còn nhiều thứ nữa nhưng nếu có dịp góp ý trực tiếp với ngài thì tui sẽ nói thêm. 

Lời thật có chút mất lòng, mong ngài nên rút kinh nghiệm.

http://www.telegraph.co.uk/news/politics/david-cameron/9438657/London-2012-David-Cameron-rides-Tube-to-Olympic-Park.html