NHẬP NHÈM BAO CẤP THỊ TRƯỜNG

Xã hội hóa truyền hình, hay nói cách khác là hoạt động liên kết giữa các đài với đối tác là những công ty tư nhân để sản xuất một phần hoặc toàn bộ sản phẩm truyền hình, đã diễn ra hơn 10 năm qua, được bàn khá nhiều trong các hội thảo, diễn đàn hay trên báo chí.

Thực tế cho thấy quá trình xã hội hóa truyền hình cũng góp phần làm khởi sắc đời sống truyền hình, góp phần thỏa mãn nhu cầu thông tin, giáo dục, giải trí ngày càng phong phú của người dân, góp phần tăng cường nguồn lực (tài chính, kỹ thuật, nhân lực…) cho ngành truyền hình.

Bên cạnh những đóng góp lớn, hoạt động liên kết lâu nay cũng còn nhiều bất cập: từ xu thế thương mại hóa, câu chuyện “bán sóng”, cạnh tranh không lành mạnh, nhập siêu sản phẩm truyền hình… đến những sơ sót, sai sót về nội dung, sai phạm những quy định (quảng cáo dư thời lượng, quảng cáo không phù hợp…), bội thực các chương trình truyền hình thực tế dạng giải trí…

Những bất cập này xuất phát từ một “mâu thuẫn” trong quản lý:

Truyền hình là một loại hình báo chí nhưng đồng thời cũng là một ngành dịch vụ. Chúng ta thừa nhận kinh tế thị trường, nhưng có vẻ như chúng ta chưa thật sự thừa nhận tính đa sở hữu trong hoạt động kinh tế truyền hình.

Đành rằng Luật báo chí hiện hành không cho phép thực hiện hoạt động “mua kênh”, “bán sóng”, “tư nhân hóa báo chí” (việc liên kết sản xuất chương trình truyền hình vẫn dựa trên nguyên tắc đài chịu trách nhiệm về nội dung chương trình), nhưng trong thực tế dịch vụ truyền hình đã chạy trong quỹ đạo của cơ chế thị trường.

Cũng cần nói thêm, hầu hết nội dung liên kết sản xuất đều ở mảng giải trí. Hiếm có đơn vị tư nhân nào tham gia sản xuất các nội dung thông tấn báo chí (tin tức, chính luận…). Ở nhiều nước trên thế giới, mô hình truyền hình công và truyền hình thương mại tồn tại song song.

Hai mô hình này khác nhau không chỉ ở nội dung mà quan trọng là ở phương diện kinh tế. Truyền hình thương mại cố thu hút khách hàng để tăng lợi nhuận, truyền hình công cộng ra sức phục vụ cộng đồng như một thiên chức.

Ở Việt Nam, dù không thừa nhận truyền hình tư nhân nhưng nó vẫn tồn tại trong thực tế. Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Nếu cứ nhập nhèm quản lý (nhà nước – tư nhân), nhập nhèm kênh (quảng bá, công cộng và kênh thương mại), nhập nhèm giữa thị trường và bao cấp thì tình trạng “lách”, “con cưng” còn dài dài.

Dù đã có nhiều cải thiện nhưng hệ thống truyền hình ở Việt Nam hiện nay vẫn chịu sự quản lý theo cơ chế xin – cho, theo mệnh lệnh hành chính, theo kiểu nửa bao cấp – nửa thị trường.

“Sở hữu tư nhân” trong dịch vụ truyền hình – nhất là truyền hình giải trí – là xu thế. Vấn đề là “truyền hình nhà nước” phải giữ vai trò chủ đạo như thế nào trong hoạt động kinh tế này và cơ quan quản lý nhà nước có giải pháp quản lý hữu hiệu để hạn chế những bất cập mà công luận lên tiếng lâu nay.

Bình luận về bài viết này