NHẬP NHÈM BAO CẤP THỊ TRƯỜNG

Xã hội hóa truyền hình, hay nói cách khác là hoạt động liên kết giữa các đài với đối tác là những công ty tư nhân để sản xuất một phần hoặc toàn bộ sản phẩm truyền hình, đã diễn ra hơn 10 năm qua, được bàn khá nhiều trong các hội thảo, diễn đàn hay trên báo chí.

Thực tế cho thấy quá trình xã hội hóa truyền hình cũng góp phần làm khởi sắc đời sống truyền hình, góp phần thỏa mãn nhu cầu thông tin, giáo dục, giải trí ngày càng phong phú của người dân, góp phần tăng cường nguồn lực (tài chính, kỹ thuật, nhân lực…) cho ngành truyền hình.

Bên cạnh những đóng góp lớn, hoạt động liên kết lâu nay cũng còn nhiều bất cập: từ xu thế thương mại hóa, câu chuyện “bán sóng”, cạnh tranh không lành mạnh, nhập siêu sản phẩm truyền hình… đến những sơ sót, sai sót về nội dung, sai phạm những quy định (quảng cáo dư thời lượng, quảng cáo không phù hợp…), bội thực các chương trình truyền hình thực tế dạng giải trí…

Những bất cập này xuất phát từ một “mâu thuẫn” trong quản lý:

Truyền hình là một loại hình báo chí nhưng đồng thời cũng là một ngành dịch vụ. Chúng ta thừa nhận kinh tế thị trường, nhưng có vẻ như chúng ta chưa thật sự thừa nhận tính đa sở hữu trong hoạt động kinh tế truyền hình.

Đành rằng Luật báo chí hiện hành không cho phép thực hiện hoạt động “mua kênh”, “bán sóng”, “tư nhân hóa báo chí” (việc liên kết sản xuất chương trình truyền hình vẫn dựa trên nguyên tắc đài chịu trách nhiệm về nội dung chương trình), nhưng trong thực tế dịch vụ truyền hình đã chạy trong quỹ đạo của cơ chế thị trường.

Cũng cần nói thêm, hầu hết nội dung liên kết sản xuất đều ở mảng giải trí. Hiếm có đơn vị tư nhân nào tham gia sản xuất các nội dung thông tấn báo chí (tin tức, chính luận…). Ở nhiều nước trên thế giới, mô hình truyền hình công và truyền hình thương mại tồn tại song song.

Hai mô hình này khác nhau không chỉ ở nội dung mà quan trọng là ở phương diện kinh tế. Truyền hình thương mại cố thu hút khách hàng để tăng lợi nhuận, truyền hình công cộng ra sức phục vụ cộng đồng như một thiên chức.

Ở Việt Nam, dù không thừa nhận truyền hình tư nhân nhưng nó vẫn tồn tại trong thực tế. Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Nếu cứ nhập nhèm quản lý (nhà nước – tư nhân), nhập nhèm kênh (quảng bá, công cộng và kênh thương mại), nhập nhèm giữa thị trường và bao cấp thì tình trạng “lách”, “con cưng” còn dài dài.

Dù đã có nhiều cải thiện nhưng hệ thống truyền hình ở Việt Nam hiện nay vẫn chịu sự quản lý theo cơ chế xin – cho, theo mệnh lệnh hành chính, theo kiểu nửa bao cấp – nửa thị trường.

“Sở hữu tư nhân” trong dịch vụ truyền hình – nhất là truyền hình giải trí – là xu thế. Vấn đề là “truyền hình nhà nước” phải giữ vai trò chủ đạo như thế nào trong hoạt động kinh tế này và cơ quan quản lý nhà nước có giải pháp quản lý hữu hiệu để hạn chế những bất cập mà công luận lên tiếng lâu nay.

NẾU BÁO CHÍ BỊ BUỘC PHẢI BỎ TRẬN ĐỊA

Trong số những người nhận giải thưởng Giải báo chí TP.HCM hôm 19/6/2014 rồi, có một gương mặt không phải nhà báo, cũng không phải cộng tác viên báo chí như thông lệ: cô giáo Tòng Thị Minh ở Điện Biên, người quay clip “chui vào túi nilông để qua suối” nổi tiếng.

Cách nay hơn tuần lễ, câu chuyện bức xúc và mối tình của ông già Đan Mạch Kurt Leander Jensen Lendar – bà Tiêu Thị Ngọc Sang đã làm lay động nhiều độc giả. Những bài báo ấy cũng khởi đi từ một “phát hiện” của cư dân mạng.

Thời đại thiết bị cầm tay có kết nối internet cho phép thông tin được sản xuất trên những màn hình cảm ứng mọi lúc, mọi nơi. Ai cũng có thể làm người đưa tin, bình luận. Truyền thông phi chính thống phát triển cực nhanh và hiện đang bao quát hầu hết các lĩnh vực một cách nhanh nhạy. Nhiều mạng xã hội giờ đây thành một kênh thông tin có biên độ rộng, cường độ lớn. Bên cạnh yếu tố tích cực, môi trường truyền thông này còn tiềm ẩn những tác hại do thông tin sai sự thật, bị bóp méo. Điều này không có gì khó hiểu bởi truyền thông xã hội (social media) vốn là mô thức truyền thông liên cá nhân nhằm chia sẻ ý tưởng, sự kiện; chủ thể thông tin là các cá nhân – thậm chí là các nguồn ẩn danh, hoàn toàn không chịu trách nhiệm trước cộng đồng; nhưng nó thành hoạt động báo chí không chính thức nhờ bản chất toàn cầu của internet.

Điều oái ăm là trong nhiều trường hợp, nhiều thời điểm, truyền thông xã hội lại đóng vai trò như một dòng chảy chủ lưu trong sinh hoạt thông tin. Vì sao? Công chúng luôn có nhu cầu được thỏa mãn thông tin không giới hạn và báo chí có trách nhiệm cung cấp thông tin, tìm ra sự thật để phục vụ nhu cầu ấy. Nhưng, không phải sự thật nào cũng có thể công khai bởi báo chí phải vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, cộng đồng. Mâu thuẫn ấy tạo ra “vùng đệm thông tin” giữa truyền thông chính thống và truyền thông xã hội. Từ rất sớm, tin đồn vẫn tồn tại song song với báo chí.

Tin đồn hôm nay được chắp cánh to, rộng, khỏe nhờ Internet. Và trong thế giới thông tin đa dạng, phức tạp hôm nay, câu hỏi đặt ra cho báo chí là làm thế nào để giữ vững trận địa trước sự lớn mạnh của truyền thông xã hội?

Dù có thừa nhận hay không, dù có định danh thế nào, truyền thông xã hội vẫn đang tồn tại và phát triển. Công chúng vẫn đặt niềm tin vào báo chí với tính chuyên nghiệp trong thu thập và phân phối thông tin. Nhưng trong nhiều trường hợp, nếu báo chí bị buộc phải bỏ trận địa, không dám đối diện trước sự thật, tin đồn thời internet sẽ thay thế. Công chúng sẽ tìm đến các nguồn không chính thức để thoả mãn.

Báo chí ở Việt Nam – trên lý thuyết – là cầu nối giữa ý chí của nhà quản lý xã hội với “lòng dân”, là cơ quan của tổ chức chính trị -xã hội, cơ quan của nhà nước, đồng thời là “tiếng nói của người dân”. Để báo chí thực sự là món ăn thông tin chính yếu, xác lập đúng vai trò của mình trong bối cảnh truyền thông hôm nay, ngoài nỗ lực tự thân của đội ngũ làm báo, công tác quản lý phải tạo ra không gian thông thoáng, giảm bớt các “vùng cấm” để nhà báo và công chúng thực sự trở thành đồng chủ thể trong các sản phẩm truyền thông hôm nay.