Ở TRẦN TRONG GIỜ HỌC (Nhật ký Chim Sẻ, tập 6)

Thời bao cấp điện thiếu trầm trọng. Cúp điện là chuyện thường tuần. Có điện là cả ký túc xá reo ầm lên như sân vận động Mỹ Đình khi đội tuyển bóng đá Việt Nam ghi bàn. Thiếu điện triền miên nên có điện là niềm hạnh phúc. Tất cả cho sản xuất nên tiết kiệm điện là quốc sách. Từ Nam chí Bắc, các ký túc xá sinh viên đều có quy định sinh viên cấm dùng các thiết bị nấu điện, dù đó là nấu nước để pha trà. Nhưng từ Bắc chí Nam, tất cả các ký túc xá sinh viên đều có kẻ trộm điện.

Nhu cầu nấu gái trai có cả. Và những cái bếp dây điện dây lò xo vẫn được lén lút mua về phòng ở, tìm được chỗ nào có cơ hội cắm là nấu (Ban quản lý KTX không thiết kế bất kỳ một ổ cắm điện nào trong phòng).

Lần nọ, thằng Linh phát hiện trên sân thượng có chỗ “khai thác điện”. Sân thượng Ban quản lý KTX ít lui tới nhưng nếu cả bọn kéo lên thường xuyên sẽ bị lộ ngay. Bị lộ thì người ta sẽ phạt, tịch thu bếp, dây. Sau một hồi thảo luận, cả bọn nghĩ ra giải pháp:

Nếu lên sân thượng thường xuyên để phơi đồ thì sẽ không bị nghi ngờ. Thế là một cái dây phơi quần áo đặc biệt được lập ra. Đây là cái dây phơi “hai trong một”: vừa làm chức năng dây phơi, vừa làm chức năng dây dẫn. Dây phơi gồm 2 sợi (bọn tôi gọi đùa là “sợi nhớ sợi thương”) dây điện trần. Ban ngày nó làm chức năng phơi quần áo. Đêm xuống, khi muốn nấu nướng, chúng tôi dùng 2 đoạn dây ngắn để móc vào chỗ có điện nối vào dây phơi, biến dây phơi thành dây dẫn. Khi nấu thì móc hai đầu dây của bếp điện vào “sợi nhớ, sợi thương” ấy.

Chỉ một thời gian ngắn sau, nhu cầu ăn cắp điện không chỉ vào ban đêm. Và vì thế, để tiếp tục che mắt Ban Quản lý Ký túc xá, bọn tôi còn rủ rê thêm đám sinh viên nữ thân thiết và thuyết phục họ mang nội y lên phơi. Ý tưởng này xuất phát từ thằng Keng khi nó cam đoan mấy tay “cờ đỏ” đi tuần thấy dây phơi đồ phụ nữ thì sẽ kỵ rơ nên không tới chỗ ấy… Mà quả là nội y chị em nó cũng hiệu nghiệm thật.

Chuyện này lẽ ra có phần kết là màn đổ bể vụ ăn cắp điện hoành tráng ấy. Nhưng xin kể trong một dịp khác.

Lại nói về chuyện nấu nướng. Nhu cầu xài điện chùa ấy và phơi đồ của chúng tôi ngày một tăng cao. Một bữa chiều chủ nhật, sau khi đá banh xong, cả bọn kéo về tắm và giặt, lên phơi đồ rồi nấu ăn (ngày đó cắt cơm tập thể). Do là ngày nghỉ nên nhóm sinh viên nữ bữa đó giặt phơi nhiều và cũng muốn nấu nhiều nên cả chục cái bếp lò so để chật sân thượng.

Đang nấu nửa chừng, hầu hết áo quần trên dây phơi đồng loạt rớt xuống đất, đứt làm đôi. Dây phơi đỏ rực lên cùng với ráng chiều trong một loáng và những cái bếp tắt ngấm.

Thì ra dây phơi chịu không đủ tải khi móc nhiều bếp điện vào giờ cao điểm.

Quần dài thời đó của chúng tôi chủ yếu may bằng vải polyester, hoặc nói chung là vải có nhiều nylon (hiếm hoi lắm mới có đứa có 1 chiếc quần jean 100% cotton) nên cái sự cố điện ấy đã tiện ngang nhiều cái quần, cái áo của nhóm sinh viên nam chúng tôi và một số nội y của chị em phơi ở đó.

Vết đứt ngọt ơ của mấy cái quần dài sau thành những cái quần sooc mặc cũng hay hay.

Image

Cái quần mới sắm của tôi cũng bị dây phơi tiện đứt như thế này….

Nhưng điều báo hại là sáng thứ hai hôm sau, gần như nhóm chúng tôi phải nghỉ học. Vì sao ư? Thời đó, mỗi đứa có 2 bộ đồ để lên lớp, thậm chí có đứa có 1 bộ, cứ mặc 2 ngày là phải tranh thủ giặt để sáng hôm sau tiếp tục dùng. Sự cố diễn ra vào chiều chủ nhật và tối hôm đó cả bọn đã hẹn nhau đi xem phim nên khi về lại ký túc xá, đã khuya, chúng tôi phải giặt bộ đồ dơ đang mặc trong người để sáng hôm sau lên lớp nhưng đêm đó trời mưa, sáng ra đồ chẳng chịu khô… Cả bọn quyết định bỏ học, ở nhà và ở… trần, vì những lý do không tiện nói cho lớp trưởng.

WITHOUT A SHIRT ON