RU CON

Thằng nhóc 2 tuổi của nhỏ bạn tôi hay quấy. Tối nào cũng khóc dai không chịu ngủ. Cô bạn tôi vốn là dân cán bộ Đoàn và hơi hiện đại nên không biết hát ru kiểu các cụ. Đành phải sử dụng tân nhạc. 

– Giải phóng miền Nam chúng ta cùng quyết tiến bước… 

Thằng bé vẫn không nín. 

Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng…

Thằng bé chẳng buông tha.

Thôi thì chuyển qua phong cách trữ tình, Mỹ Tâm vậy:

– Ước gì, anh ở đây giờ này…

Thằng bé càng gào to.

Vừa mệt vừa tức, bạn tôi gào lại: “Tao đã ru mày bằng tất cả thể loại mà mày không chịu nín cho. Thôi cho mày nghe Đài vậy!”

Bạn tôi với tay lấy remote. Một kênh truyền hình bạn chọn theo thói quen. Thằng bé bỗng dưng nín bặt.

Và cứ thế, hằng đêm, khi nào thằng bé gào lên là đã có Đài… dỗ nín. Liệu pháp dỗ con này vẫn còn được bạn tôi áp dụng đến nay chưa chuyển giao.

Tin hay không tùy bạn. Còn kênh nào dỗ được thằng bé bạn tôi chưa chịu nói ra. Mà con tôi thì lớn và không có nhu cầu dỗ nên tôi cũng chẳng cần khai thác làm gì

 

NGƯỜI NGHIỆN TRÀ (TEA ADDICT)

Mấy ngày gần đây, báo chí cũng sôi nổi và bức xúc khi bàn chuyện “đầu ra” cho các trường học (Thanh Niên) và “đầu ra” nơi công cộng ở thành phố Hồ Chí Minh (Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh sáng nay), tôi chợt nhớ tới chuyện loạt chuyện “đầu ra” trong quá trình tác nghiệp. Hôm nay kể một chuyện xảy ra gần 9 năm.

 

 

Năm 1998, nhiều vùng ở Nam bộ (đặc biệt là Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh) sôi nổi tổ chức các hoạt động kỷ niệm 300 năm hình thành vùng đất mới này. Mốc kỷ niệm dựa vào năm Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh được Chúa Nguyễn cử đi kinh lý phương Nam để xác lập chủ quyền lãnh thổ năm 1698.

Bên cạnh hàng chục hoạt động sôi nổi, hàng chục công trình xây dựng, biên soạn, xuất bản, buổi lễ chính thức được tổ chức vào một ngày cuối năm nhưng được chuẩn bị từ rất sớm. Kịch bản lễ hội do nhiều cây bút tên tuổi viết, chương trình lễ hội do một Tổng đạo diễn nổi tiếng và nhiều đạo diễn “bộ phận” phối hợp thực hiện. Lễ kỷ niệm còn có cả màn diễu hành, duyệt binh, xếp chữ hoành tráng. Lễ lớn như vậy thì phải truyền hình trực tiếp cho cả khu vực và phải tập dợt.

Học sinh xếp chữ được huy động nhiều tháng trời. Đài Truyền hình phải tập ghi hình toàn bộ các lần tổng dượt để ban tổ chức rút kinh nghiệm

Mỗi lần tổng dượt kéo dài trên 5 tiếng đồng hồ từ 17 giờ đến 22 giờ đêm (y như là lễ thật, chỉ trừ đại biểu, duyệt binh, diễu hành là không có nhưng các phát thanh viên cũng phải đọc thuyết minh). Ăn cơm hộp từ 16 giờ 30,  các phóng viên quay phim, phụ quay phải mang theo một cơ số nước để chống khát (cuối năm trong Nam bộ là mùa nóng).

Phóng viên S là người được giao phụ trách “máy toàn”. Máy toàn là cách nói của dân truyền hình để chỉ một camera quay cảnh rộng trong ghi hình các sự kiện lớn phối hợp nhiều máy quay. Các đạo diễn hình (video mixer) bao giờ cũng phải bố trí một góc máy đủ xa và cao để khán giả hình dung quy mô toàn bộ không gian sự kiện. (*)

Do sự kiện “lễ hội 300 năm” diễn ra trên sân vận động tỉnh và có nhiều màn xếp hình, sắp chữ, đèn laser cần mô tả từ trên cao mới thấy hiệu quả, nên đạo diễn truyền hình khi bố trí góc máy này phải sử dụng một giàn giáo xây dựng sắp thật cao.

Cũng như mọi vị trí công tác khác, phóng viên S nhận nhiệm vụ lên giàn giáo mang theo 5 chai nước khoáng. Có điều khác với những nhân viên còn lại, anh S không thể rời vị trí từ đầu đến cuối vì không có người thay và không thể leo lên, trèo xuống một mình. Anh chỉ có thể liên lạc với đạo diễn bằng hệ thống intercom.

Sau buổi tập dợt như thế, có lần, một vị lãnh đạo đến bắt tay động viên anh chị em nhà đài. Lúc đó, ông thấy hình ảnh anh em đang chuyền camera từ giàn giáo xuống đất một cách thận trọng nên dừng lại dưới chân giàn giáo quan sát, chờ cho phóng viên S trèo xuống mặt đất để bắt tay. Nhìn sau lưng phóng viên S có một túi ny lông trong suốt đựng những chai nước khoáng có màu vàng, ông hỏi:

– Phóng viên đài đeo cái gì thế?

– Dạ, đó là nước trà mang theo để uống ạ! – Anh đạo diễn ở dưới đất nhanh nhẩu trả lời dù biết rằng chiều nay S cũng nhận 5 chai nước khoáng và chẳng biết uống trà.

– Mang bao nhiêu chai mà còn dư nhiều thế?

– Dạ, tay này ghiền trà nhưng uống nước ít lắm ạ!

Phóng viên S khi vừa tiếp đất đã được đồng chí lãnh đạo xông tới bắt tay nên rất cảm động. Nhưng khi ông lãnh đạo chồm tới có vẻ như định ôm hôn thắm thiết trước ống kính quay phim thời sự thì anh S lùi ngay lại.

Sau này, anh em hỏi vì sao lùi lại như thế thì S nói:

– Sợ ổng ôm một cái là đụng vào mấy “bình trà” hoặc ổng nghe mùi “trà” là choáng!

Anh em thắc mắc hỏi S làm sao mà “đóng chai” số nước “đầu ra” ngon lành khi lễ hội diễn ra trước hàng ngàn người, S trà lời úp úp mở mở:

– Khán giả lo chăm chú nhìn chương trình sân khấu hoá hoành tráng dưới sân, ai cắc cớ nhìn lên giàn giáo của phóng viên đâu mà thấy mình lo “đầu ra”!

 

 

Nhưng không ai tin cách lý giải này. Có người nói, S lợi dụng lúc đèn tắt trong một số cảnh thì tranh thủ trút của nợ vào chai. Có người nói S kẹp cái chai vào chân máy camera và tì vào đó để che…

Image

(*) Góc máy này có ý nghĩa đặc biệt trong quá trình ghi hình và xử lý chuyển cảnh, đặc biệt, nó là góc máy “chữa cháy” khi có sự cố… Một cú sút từ vạch 5 m 50 hoặc phát bóng của thủ môn trong một trận bóng đá, chỉ có góc máy rộng mới diễn đạt hết. Trong một số trường hợp ghi hình, góc máy này được fix cố định, treo trên vị trí cao
, không cần phóng viên quay phim.

 

Image
Ghi hình một game show: Góc “máy toàn” như thế này có thể cho khán giả cái nhìn tổng thể