UỐNG CÀ PHÊ THEO CÁCH CỦA BẠN


Cà phê là một loại thức uống hiện được pha theo nhiều cách khác nhau. Người uống cũng chọn lựa các kiểu pha cà phê tùy thuộc vào thời điểm, không gian, sức khỏe hay công việc tại thời điểm thưởng thức. Ở nhiều nơi trên thế giới, những chiếc máy pha cà phê tự động đã cho ra hàng chục loại cà phê từ các nguyên liệu “đầu vào” giống nhau. Người uống chỉ việc bấm nút lựa chọn…

Xin được nói ngay là bài viết này không bàn chuyện thưởng thức cà phê. Câu chuyện cỗ máy pha cà phê tự động ở đây được mượn để so sánh với cơ chế truyền thông mới: truyền thông trong xu thế hội tụ công nghệ.

Một xu thế không thể đảo ngược

Không phải đợi đến khi internet ra đời, khái niệm hội tụ truyền thông (media convergence) mới được nhắc đến. Hội tụ truyền thông là một xu thế khởi đi từ những phát minh công nghệ, đặc biệt trỗi lên từ khi internet trở thành một phần không thể thiếu được trong sinh hoạt đời sống của một bộ phận không nhỏ công dân toàn cầu.

Ngày nay, với một chiếc điện thoại di động hay thiết bị cầm tay có kết nối internet, bạn cũng có thể là thành viên bình đẳng trong làng truyền thông cả hành tinh. Và cái thiết bị ấy cũng minh chứng khá tiêu biểu cho kỷ nguyên hội tụ công nghệ. Điện thoại di động hiện nay thường được thiết kế đa chức năng: ghi hình, ghi âm, nghe phát thanh, chụp ảnh, lưu trữ, lướt web, định vị vệ tinh, soạn thảo văn bản, xem email… Công nghệ phát triển kéo theo xu hướng hội tụ truyền thông mà lâu nay, nhiều người đã nói đến nó, nhưng chúng ta thường chỉ gặp gỡ danh từ chứ ít gặp nhau ở khái niệm vì mỗi người hiểu nó một cách khác nhau. Nhìn ở góc độ hình thức, dễ nhầm tưởng rằng hội tụ truyền thông là con số cộng các phương tiện truyền thông trong cùng một thiết bị, hay con số cộng các loại hình truyền thông đại chúng (báo in, báo nói,báo hình, báo mạng) trong một cơ quan báo chí, hay con số cộng các hình thức truyền thông (cá nhân, tập thể, đại chúng) trong cùng một môi trường. Nhưng thực tế, bản chất của sự hội tụ này không chỉ là “gộp lại” mà là tích hợp,là nhân lên cả về cường độ, quy mô, chất lượng.

Thông tin ngày nay được chủ động phân phối theo cách mà công chúng cần tiếp nhận nó nhanh nhất, chất lượng nhất, đầy đủ nhất. Mỗi một cá nhân trong thời đại hội tụ truyền thông vừa là khách thể hưởng thụ truyền thông, vừa là chủ thể truyền thông. Nói một cách dễ hiểu, chỉ với một chiếc di động có kết nối 3G, 4G, 5G… bạn có thể thành một người đưa tin, bất cứ ở đâu và đặc biệt, bạn có thể khai thác thông tin theo cách của bạn.

Các cơ quan báo chí trong xu thế hội tụ truyền thông hiện đang cấu trúc lại để trở thành một guồng máy sản xuất, chế biến, phân phối thông tin giống chiếc máy pha cà phê nhằm cho ra nhiều “món” mà công chúng truyềnthông tự chọn lựa theo cách của họ, vào thời điểm họ muốn theo nhu cầu của họ.

Xu thế dân chủ trong truyền thông này có được nhờ hội tụ mà nền tảng của nó là hạ tầng viễn thông hiện đại ngày một phát triển.Và đây là một xu thế không thể đảo ngược.

“Tờ báo” của ngày mai

Thời đại internet cho phép thông tin được truyền tải trên một môi trường khác “vật liệu mang thông tin” theo kiểu cũ (như giấy in chẳng hạn). Sự phân chia các loại hình báo chí theo lý thuyết cũ có vẻ không còn phù hợp.

Steve Ballmer, Tổng Giám đốc Microsoft dự báo rằng trong vòng 8 năm nữa, tất cả các loại hình truyền thông sẽ được phân phối trên nền tảng IP, dạng thức điện tử và sẽ không còn báo giấy. Cùng với ý kiến trên, tỉ phú truyền thông, chủ tịch Tập đoàn NewsCorp, ông Rupert Murdoch, cũng khẳng định rằng gần như tất cả tờ báo sẽ được số hóa trong thập kỷ tới.

Những tiên đoán của các chuyên gia này giờ đây đang được minh chứng khi công nghệ tablet đang phát triển cực nhanh.

Máy tính bảng (tablet hoặc tablet PC) là thuật ngữ của ngành công nghệ thông tin dùng để chỉ loại máy tính cá nhân sử dụng hệ điều hành mới và công nghệ cảm ứng. Ở Việt Nam, sản phẩm này đa phần xuất hiện dưới cái tên thương hiệu iPad – tên độc quyền của hãng Apple và các dòng điện thoại thông minh (smartphone). Nhưng tablet trên thế giới có nhiều hãng sản xuất khác và nhiều hệ điều hành khác nhau. Tablet khác với một máy vi tính hay laptop nhiều điểm: Không cần dùng bàn phím vì người dùng có thể dùng bàn phím ảo cảm ứng, pin dùng rất lâu (từ 4 tiếng đến vài tuần) và rất nhẹ, càng ngày càng… mỏng, rất tiện lợi để đọc sách, báo, tài liệu (ebook, epaper) và xemvideo, có thể dùng để gọi điện thoại như một di động hoặc video chat, có hệ thống định vị toàn cầu GPS, đặc biệt có thể thay thế sách vở cho học sinh, sinh viên, người nghiên cứu với khả năng chứa hàng ngàn cuốn sách và dùng để ghi chép tài liệu, sáng tác (tranh, phim, nhạc…). Với nhiều người Việt Nam, tablet hiện còn quá lớn để có thể bỏ túi như một chiếc di động, còn quá nhỏ để thay thế cho cái laptop,quá đắt so với lương của mình (hiện nay giá tablet dao động từ 10 – 25 triệu đồng tùy đời, tùy cấu hình). Công nghệ tablet ngày một đổi mới và sẽ có những đổi mới bất ngờ chưa tiên đoán hết. Và, nếu Internet là một thành công lớn của nhân loại trong việc sử dụng một nền tảng (platform) độc lập với khả năng tương thích hầu hết các loại máy tính (và thậm chí một số thiết bị không giống với máy tính thông thường) thì giờ đây, công nghệ tablet được xem là nền tảng mới để xu thế hội tụ truyền thông chuyển biến về chất.

“Lần đầu tiên, tất cả các tài sản truyền thông có một platform phổ biến”, Treviño, giám đốc dự án sáng tạo của NewsInternational, cho biết như thế. Theoông, hiện nay, video, hình ảnh và đồ họa thông tin sẽ có những liên kết tốt nhất trên máy tính bảng (tablet) và cần phải hiểu rằng cả cách trình bày, trải nghiệm lướt web và tương tác cũng là nội dung chứ không chỉ là thao tác truy cập.

Một dự báo: Trong tương lai, các thiết bị tablet sẽ được phát không, công chúng truyền thông có thể sẽ trả tiền thuê bao cho việc đọc/nghe/xem các sản phẩm truyền thông.

Các dự báo vẫn là dự báo nhưng những gì đang diễn ra trong đời sống truyền thông Việt cho chúng ta tin rằng áp lực của xu thế hội tụ truyền thông mà thực chất là áp lực từ công chúng khi nhu cầu được tương tác thông tin, được quyền thông tin ngày càng mở rộng (chứ không chỉ có nhu cầu hưởng thụ thông tin một chiều) đang ngày một tăng cao. Công chúng ngày càng ý thức hơn vai trò cá nhân của mình trong một xã hội thông tin phong phú, đa dạng và càng đòi hỏi cái quyền được uống cà phê thông tin theo cách của họ.

(Tái bản một bài đã đăng báo)

Một bình luận

  1. Tình cờ đọc được bài viết này nhưng không ngờ cảm nhận của người viết lại rất sâu sắc. Điều này làm tôi nhớ đến các bài phát biểu của lãnh đạo 1 Tập đoàn Viễn thông lớn về sự phát triển của các công nghệ thông tin di động băng rộng 3G, 4G…Việc phát triển nhanh chóng của loại thiết bị đầu cuối như Iphone, Ipad cũng biểu hiện của nhu cầu và cái tôi của thuê bao ngày càng tăng. Với riêng nhà cung cấp di động thì điều này sẽ khiến cho “nhà mạng” sẽ chỉ giống như kênh truyền, chứ không kiểm soát được phần lớn nguồn tin (cũng chính là nguồn thu) như đối với 2G. Như vậy bài toán chung đặt ra cho cả nhà mạng và nhà báo để có thể “sống” trong tương lai đó là nắm được nguồn tin, để phù hợp với cá tính của thuê bao.

Bình luận về bài viết này