CẦM NHẦM

Hàng triệu khán giả truyền hình bị lừa

Có người cho rằng vụ việc cô Lượm giả ồn ào mới đây là tai nạn nghề nghiệp. Tôi không nghĩ thế. Phải nói đây là một biểu hiện non kém nghiệp vụ.

Tất nhiên, câu chuyện đáng buồn, đáng trách này xuất phát ban đầu từ lỗi của cô “Lượm giả”. Nhưng cô ta là một cá nhân. Chuyện lừa bịp này có thể xuất phát từ sức ép, lòng tham, nhận thức, trải nghiệm còn kém.

Để xảy ra sự cố đáng tiếc này lỗi lớn hơn thuộc về giới truyền thông, bởi họ đại diện cho số đông, họ làm việc có mục đích, có ê-kíp, có đào tạo, có quy trình.

Trong quy trình thu thập và xử lý thông tin khi tác nghiệp, nhà báo nào cũng được chỉ bảo từ nhà trường, từ cơ quan về khâu thẩm định, kiểm tra. Nhưng thực tế, hoạt động báo chí ở Việt Nam lâu nay đã xảy ra hiện tượng: Các phóng viên khi thu thập thông tin để ngợi ca, để biểu dương thường lệ thuộc vào nguồn tin. Khi cổ súy cho những lĩnh vực “nhân văn”, nhiều nhà báo dùng “niềm tin nội tâm” để cho mình cái quyền không cần xác minh kỹ. Có không ít phóng viên nghĩ rằng xác minh, thẩm định là công việc của báo chí điều tra. Và trong rất nhiều trường hợp, các nhà báo non tay nghề thì sử dụng phương pháp “nghe – kể”, trong khi đó, có không ít nhà quản lý, nhân vật báo chí hết sức “lõi đời” khi cung cấp thông tin và họ cũng từng làm cái việc mà cô Lượm giả này đã làm một cách tinh vi hơn nhiều.

Năm 2010, dư luận từng biết đến câu chuyện đấu giá từ thiện ảo, câu chuyện “bốn đứa trẻ bỏ trốn ở nhà mở Đồng Nai”. Chuyện đấu giá nhiều người đã biết, đã bàn. Vụ việc “bốn đứa trẻ bỏ trốn ở nhà mở Đồng Nai” nhiều phóng viên xuất phát từ suy nghĩ rằng mình bảo vệ kẻ yếu thế nên “quên” đi sự tỉnh táo, khoa học cần thiết trong thu thập thông tin để rồi đã dựng lên câu chuyện không có thật bằng những cụm từ “địa ngục trần gian”, “tra tấn như thời Trung cổ”, “hành hạ dã man” v.v… qua lời nói dối của con trẻ!

Trở lại câu chuyện cô “Lượm giả”, hiện chưa có cơ sở để có thể nói rằng nhân vật này có là nạn nhân của truyền thông hay không nhưng rõ ràng bài học về đạo đức nghề báo, bài học về tác nghiệp báo chí là điều có thể rút ra được từ sự cố đáng buồn này!

Sự cố “Lượm giả” lại một lần nữa gợi cho người ta nhớ đến hàng trăm sự cố giả khác ở Việt Nam. Có người cầm nhầm một luận án tiến sĩ, rất nhiều người còn ngồi nhầm “ghế”, rất rất nhiều người ngồi nhầm lớp, thậm chí có người còn cầm nhầm cả một tập thơ thì cái chuyện “cầm nhầm” một số phận trong những phút hóa thân, sáng tạo khi viết chuyện tình tự kể để “đâm lao” theo một show truyền hình cũng không có gì bất ngờ!