TƯ VẤN HAY TIẾP THỊ?

 

 Thi đậu đại học – cao đẳng là mốc quan trọng trong đời người, nên mùa tuyển sinh đối với nhiều bậc cha mẹ và các em là mùa lo toan. Lâu nay, nhiều cơ quan, đơn vị cùng chung sức với ngành giáo dục – đào tạo để giúp đỡ học sinh, gia đình thí sinh có thông tin và điều kiện chọn lựa trường thi tốt, khối thi tốt, cách ôn thi, cách đi thi thật tốt. Nhưng cũng không ít kẻ đã lợi dụng niềm tin của phụ huynh và niềm hy vọng của thí sinh để trục lợi.

 

 

Câu chuyện của một nhà báo 

Theo dõi mảng giáo dục của tờ báo tỉnh, mới đây, tôi được mời đi dự buổi tư vấn tuyển sinh ở một cụm trường THPT do đơn vị truyền thông X phối hợp với Sở Giáo dục tổ chức. Tại buổi ấy, nhà tổ chức không cho các em đặt câu hỏi trực tiếp như thông lệ, chỉ phát phiếu để các em điền câu hỏi (mẫu phiếu in sẵn, có logo của những đơn vị tài trợ). Các em gửi câu hỏi cho đại diện Ban tổ chức ngồi ở một chiếc bàn sau sân khấu. Với phản xạ tác nghiệp, tôi đã đến xin phép đọc hàng trăm câu hỏi của các em và ghi nhanh vào sổ tay. Tại đây, chính tai tôi nghe anh đạo diễn chương trình (là người của công ty tổ chức buổi tư vấn ấy) dặn cô dẫn chương trình rằng chỉ nêu tên các bạn học sinh có câu hỏi và cứ hứa sẽ trả lời trên báo chí sau.  

Anh đạo diễn này chỉ chọn một vài câu hỏi trong số ấy để cho “hội đồng tư vấn” trả lời. Khi tôi thắc mắc thì anh ta giải thích rằng “hội đồng tư vấn” hôm nay chỉ có những cán bộ của một số đơn vị đào tạo dân lập (cũng là nhà tài trợ) và họ đã chuẩn bị để trả lời một số câu hỏi có sẵn, nên phải “chạy” cho đúng kịch bản… Nhiều câu hỏi thiết thực (như xin tư vấn về cách làm hồ sơ dự thi, hỏi về chế độ ăn uống trong mùa thi, phương pháp ôn thi môn Toán, môn Văn v.v…) không có ai trả lời được vì “hội đồng” không phải là các nhà tư vấn có chuyên môn. Họ chỉ lo phần PR cho cơ sở đào tạo của mình mà thời gian của buổi tư vấn thì có hạn.  

 

Câu chuyện của một bí thư đoàn  

Tôi là bí thư đoàn cơ sở ở một trường THPT. Mỗi năm đến mùa tuyển sinh là các cơ quan truyền thông, các công ty tư vấn tuyển sinh, các tổ chức của Đoàn, và các trường đại học, cao đẳng dân lập thường đến trường nhờ chúng tôi tập hợp các em để tổ chức các buổi tư vấn tuyển sinh. Công bằng mà nói, các hoạt động này bổ ích và cũng thu hút sự quan tâm của các em học sinh cuối cấp. Nhưng, trong số những đơn vị làm tư vấn như thế, có không ít trường hợp họ đến với trường tôi vì mục đích tiếp thị các ngành học của những trường đại học, cao đẳng chưa có thương hiệu và thậm chí, họ tổ chức tư vấn tuyển sinh như một dịch vụ để thu lời.  

Các trường cấp 3 ở vùng huyện thường không đông học sinh và ngày chủ nhật các em còn phụ giúp gia đình nhưng vì lệnh của cấp trên (sở GD-ĐT, huyện Đoàn hay chính lệnh của hiệu trưởng), chúng tôi phải huy động các em từ nhiều trường về tập trung dưới cái nóng nực của sân trường để nghe các “nhà tư vấn” giới thiệu về cơ sở mình. Có lần, khi biết đơn vị tổ chức chương trình là một “nhà tư vấn” rất tai tiếng, tôi phản bác yêu cầu huy động học sinh và vài tiết mục văn nghệ từ lệnh hiệu trưởng. Nhưng, ông hiệu trưởng bảo với tôi rằng, nhà tổ chức hứa hỗ trợ cho trường 3 triệu đồng để Đoàn cơ sở hoạt động, thầy ráng tập trung 150 em kể cả khối 10, khối 11 nữa cho đủ quân số, cho “chật sân trường” để họ quay phim, chụp ảnh thôi. Lần đó, tôi cũng đành làm theo giải pháp của hiệu trưởng. Chỉ có một chi tiết tôi không làm theo là phải khóa cổng trường sau khi đã tập hợp các em. Hậu quả là học sinh chúng tôi đã nhanh chóng lũ lượt kéo ra về ngay sau khi nghe giới thiệu các “nhà tư vấn” mà các em đủ nhạy cảm để biết là họ đang đi tiếp thị (hiện nay các em cũng có nhiều kênh để tiếp cận các kiến thức hướng nghiệp), mặc dù ban tổ chức hứa hẹn phát “quà biếu”, quà tặng (là các đĩa VCD, catalogue giới thiệu về nhà tài trợ) vào cuối buổi. 

 

Những chuyện như thế còn nhiều. 

 

Tư vấn hay tiếp thị? 

Tư vấn tuyển sinh là hoạt động nhân danh sự nghiệp giáo dục – đào tạo, nhân danh vì tương lai các em nhưng những năm gần đây, nó đã thành dịch vụ hái ra tiền của một số tổ chức, cá nhân.   

Đồng tiền lợi nhuận trong dịch vụ này, sự cạnh tranh thu hút thi sinh của nhiều trường đại học, cao đẳng chưa có thương hiệu… đã làm chệch hướng ý nghĩa tốt đẹp của hoạt động tư vấn tuyển sinh. Hơn thế nữa, nhắm tới mục đích tiếp thị, các “nhà tư vấn” đã tung hỏa mù thông tin trước học sinh và các bậc phụ huynh, “xúi” các em thi vào các ngôi trường không đúng với sở nguyện vì những lời hứa, vì những chiêu thức PR không sòng phẳng.  

Công thức phổ biến của nhiều nhà tư vấn “chạy xô” cho các đơn vị dịch vụ là  chuyện thi trường nào dễ đậu, ngành nào đang nóng, tỷ lệ chọi thế nào v.v… Những điều họ tư vấn có khi rất võ đoán, thiếu khoa học, không xuất phát từ nhu cầu thực sự của người học và xã hội. Nhưng còn nhiều “nhà tư vấn” khác không ngần ngại đi thẳng vào chuyện tiếp thị cho một ngôi trường cụ thể bằng những chuyện như ngành nào dễ kiếm tiền sau khi ra trường, trường nào lo kiếm việc làm cho sinh viên… Đa phần những kiểu tư vấn này nhắm đến các đối tượng học sinh nghèo, học lực trung bình và ở vùng xa… 

Tất nhiên, lâu nay, những nỗ lực tổ chức các hoạt động tư vấn tuyển sinh cho học sinh nói chung, của nhiều thành phần trong xã hội đã góp phần không nhỏ trong công tác giáo dục – đào tạo. Nhưng, tình trạng tỷ lệ chọi quá cao ở một số nhóm ngành thời thượng, sự thiếu hụt thí sinh dự thi ở nhiều ngành quan trọng – như nhóm ngành kinh tế biển chẳng hạn – nhiều năm qua, đã cho thấy hiệu quả của công tác hướng nghiệp cho học sinh phổ thông còn thấp, đôi nơi đôi chỗ đã có biểu hiện lệch lạc và không lành mạnh. 

  

Ảnh: Buổi tư vấn tuyển sinh do một tờ báo tổ chức. Ảnh có tính minh họa