KHI NHÀ ĐÀI TỔ CHỨC ĐÁNH BẠC TRÊN SÓNG

Những năm gần đây, hộp thư thoại và tin nhắn SMS đã được khai thác để tổ chức các dạng thức trò chơi thi đố kiến thức hoặc dự đoán các sự kiện văn hóa – thể thao cho khán giả truyền hình. Phổ biến là hình thức nhắn tin trả lời 1 hoặc 2 câu hỏi trắc nghiệm kèm thêm câu hỏi dự đoán “có bao nhiêu người?” theo cú pháp <mã tin nhắn> <tham số X> <tham số Y> … Hoạt động gọi điện qua hộp thư 1900xxxx hoặc nhắn tin qua hộp thư 8xxx đã góp phần làm cho các chương trình phát thanh, truyền hình (và cả các trang báo viết, báo trực tuyến) tăng tính tương tác, tạo sức hấp dẫn cho công chúng.

Nhưng phải đến năm 2006 các loại dịch vụ giá trị gia tăng qua tin nhắn trên sóng truyền hình cả nước mới thực sự đa dạng nhờ sự phát triển của hạ tầng viễn thông, sự du nhập nhiều phần mềm chuyên dụng để xử lý đồ họa truyền hình cho cơ sở dữ liệu SMS (như screenbox, playbox) và sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp truyền thông. Khán giả truyền hình giờ đây có thể chat online qua màn ảnh nhỏ trong “Cuồng nhiệt cùng bóng đá” chẳng hạn, có thể trực tiếp thấy kết quả bầu chọn cho một giọng ca hiển thị trên màn ảnh cũng như tải một bài hát ngay trong chương trình Sao Mai điểm hẹn, hoặc có thể biết ngay kết quả dự đoán của mình khi trận đấu bóng đá vừa kết thúc… Ý kiến bình luận của khán giả – thông qua tin nhắn SMS – cùng tham gia vào một talk show góp thêm thông tin đa chiều cho vấn đề đặt ra trong buổi tọa đàm. Dịch vụ nhắn tin dự đoán đã giúp cho các Đài truyền hình tổ chức nhiều chương trình góp phần truyền bá kiến thức văn hóa, lịch sử – truyền thống, an toàn giao thông, công nghệ thông tin, ứng xử văn hóa v.v… Các phần mềm đồ họa cũng góp phần giúp các Đài tăng thêm hình thức quảng cáo “chạy chân” cho sản phẩm không ảnh hưởng đến nội dung phát sóng…

Nhưng bên cạnh mặt tích cực do công nghệ mới đưa đến, các dịch vụ thu lợi cao đã nhanh chóng được nhập vào đời sống truyền hình với mật độ dày đặc. Một trận bóng đá trong World Cup 2006 có thể được triển khai hàng chục dịch vụ dự đoán: dự đoán tỷ số, dự đoán tỷ số hiệp 1, dự đoán đội ghi bàn thắng trước, dự đoán cầu thủ hay nhất trận đấu… chưa kể các trò chơi kéo dài suốt mùa giải như dự đoán đội vô địch hay dự đoán cầu thủ xuất sắc nhất giải. Theo công bố của hằng ngày của một Đài Truyền hình lúc bấy giờ, tổng số người tham gia dự đoán cho mỗi dịch vụ như thế thường dao động trong khoảng 30 – 40 ngàn lượt (trận đấu lúc 20 giờ thường có số người tham gia cao hơn trận khuya). Với các dịch vụ được triển khai, mỗi trận đấu sẽ có bình quân hàng trăm ngàn lượt khán giả nhắn tin, mỗi tin nhắn 3000 đồng. Sau khi trừ các chi phí giải thưởng, tổ chức sản xuất, số tiền lợi của các nhà kinh doanh dịch vụ giá trị gia tăng này khá cao. Trong VFF Cup vừa qua, VTC độc quyền truyền hình trực tiếp các trận bóng đá. Đơn vị truyền thông này đã “biếu không” cho nhiều Đài tiếp sóng các trận đấu nhưng không phải… sóng sạch. Dịch vụ giá trị gia tăng của VTC được khai thác tối đa và phủ sóng cả nước trên nhiều kênh sóng truyền hình (từ analog của các Đài địa phương đến truyền hình số, truyền hình cáp). Điều đáng nói là trong số các dịch vụ này cũng có các dịch vụ đánh bạc như trò chơi “Vinh quang chiến thắng” với đầu số 8530 (5000 đồng/ tin nhắn). Hình thức “đánh bạc” này như sau: khán giả nhắn tin với vài ký tự nào đó (không hạn chế số lần nhắn) để chờ vận may khi “máy chủ” trả về cho những tin nhắn có dòng chữ trúng thưởng (giống như cào nắp bia Tiger ngẫu nhiên có thể trúng Land Cruiser, nhưng người cào nắp Tiger còn được… uống bia và nếu trúng thì giải thưởng khá cao).

Lợi nhuận từ dịch vụ này khá cao (và đầu tư rất thấp) nên cuộc chạy đua sản lượng đã lôi kéo các công ty đi tìm đối tác là các Đài truyền hình địa phương. Các Đài địa phương không bản lĩnh thường “bán đứng” sóng cho các đối tác chủ động đưa nội dung dịch vụ. Vì thế, với nhiều Đài, các cuộc chơi “giá trị gia tăng” này toàn là những dịch vụ đánh bạc trên sóng. Tết này, Nhiều Đài địa phương cho phát sóng trò chơi đánh bạc như thế của FPT: “Mừng xuân Đinh Hợi, rinh ngay heo vàng”, “Phúc Lộc Thọ” với giá cước 5000 đồng tin nhắn. Nhiều trò chơi như thế phổ biến trên các Đài truyền hình nhưng không công khai giá cước cho khán giả như quy định của Bộ Bưu chính – Viễn thông). Bên cạnh đó, hiện nhiều Đài cũng có các dịch vụ nhắn tin khác như tư vấn làm đẹp, tư vấn tình yêu, tư vấn y học, tư vấn tướng số, tư vấn bỏ thuốc lá v.v… hết sức vớ vẩn. Bởi những lời “tư vấn” đó là một cơ sở dữ liệu tin nhắn trả về được cóp nhặt lung tung trên báo chí. Mỗi lời tư vấn chỉ dài 165 ký tự – kể cả khoảng trắng. Thu hút một sản lượng khá lớn tin nhắn là dịch vụ tải hình, tải nhạc, tặng hình, tặng nhạc cho điện thoại thoại di động…

Không biết các trò chơi tin nhắn dưới hình thức xổ số thế này còn biến tướng như thế nào nữa và ngành thuế có thu được đồng nào từ các dịch vụ trên? Hai đối tác chính của nhiều Đài truyền hình trong cả nước hiện nay là FPT và VTC đang đua nhau đưa ra nhiều hình thức dịch vụ “đánh bạc” với giải thưởng 50, 30, 20 triệu… kích thích sự tham gia của nhiều khán giả có máu đỏ đen. Tin nhắn đầu số 85xx (5000 đồng/SMS) và 87xx (15000 đồng/SMS) cho các trò chơi trúng thưởng Tết này trên sóng truyền hình địa phương rất phổ biến. Tổng quỹ giải thường cho các trò chơi đánh bạc này – theo tìm hiểu của chúng tôi – chiếm không quá 12,5% doanh thu từ cước nhắn tin và việc quyết định ai là người trúng thưởng hoàn toàn là chuyện của… ban tổ chức.

Các Công ty xổ số kiến thiết cho dù không bán được vé vẫn phải trao giải và việc tổ chức xổ số phải công khai. Ngoài chuyện đóng thuế, hoạt động xổ số kiến thiết lấy mục đích mang lợi nhuận để làm công ích và được Nhà nước quản lý. Các công ty xổ số còn nuôi đư᦬t;br /> ??c một đội ngũ cộng tác viên khá lớn là những người bán vé dạo. Còn cách đánh bạc qua Đài thì quá dễ trong thời buổi công nghệ này, chỉ cần vài động tác bấm trên di động nhưng lợi nhuận khá lớn đó sẽ thuộc về ai? Những người ghi đề có thể bị phạt tù, nhưng đánh bạc qua sóng truyền hình bằng công nghệ cao vì sao vẫn chưa có biện pháp quản lý?

Bài đã đăng Thanh Niên

Một bình luận

  1. […] KHI NHÀ ĐÀI TỔ CHỨC ĐÁNH BẠC TRÊN SÓNG […]

Bình luận về bài viết này