“VƯƠNG QUỐC” KÈN ĐỒNG NAI

 

Những “nghệ sĩ nông dân” ở Đồng Nai trong một buổi tập kèn  

 
 

  

Nếu bây giờ cần một dàn nhạc kèn có quy mô hơn 1500 nhạc công để biểu diễn, thì ở Việt Nam, trừ quân đội với những dàn quân nhạc chuyên nghiệp, chỉ có Đồng Nai là địa phương duy nhất trong số các tỉnh thành cả nước có thể huy động được biên chế cỡ này… 

Nhưng, nhạc công của các đoàn quân nhạc đều do Nhà nước, quân đội đào tạo chính quy và ăn lương như những chiến sĩ còn nhạc công kèn ở Đồng Nai chủ yếu là nông dân. Từ niềm say mê âm nhạc, họ tự trang bị nhạc cụ và chấp nhận gian khổ học kèn…  

Một tài sản lớn 

Hiện nay, một nhạc cụ trong dàn nhạc kèn thường có giá dao động từ 3 triệu đến 70 triệu tùy loại. Nhưng trong từng loại nhạc cụ, giá cũng dao động tùy hãng/nước sản xuất, tùy “đời” (saxophone chẳng hạn, có chiếc 10 triệu đồng nhưng cũng có cái đến 50 triệu đồng). Loại kèn rẻ nhất trong một dàn nhạc, kèn đã qua sử dụng nhiều năm, nếu mua lại cũng có giá không dưới 5 triệu đồng. Cả tỉnh Đồng Nai hiện có hơn 50 đội nhạc kèn từ các xứ đạo Thiên Chúa tập trung ở các khu vực Kiệm Tân (huyện Thống Nhất), Hố Nai, Tân Mai, Tam Hiệp (thành phố Biên Hòa), mỗi đội kèn có số lượng, quy mô nhạc công khác nhau. Đội ít nhất khoảng 20 người. Những đội nhạc kèn lớn ở các giáo xứ như Dốc Mơ, Đức Long, Tân Mai, Ngọc Đồng… có trên 70 nhạc công. Nếu lấy bình quân mỗi đội là 30 nhạc công và mỗi cây kèn trị giá 5 triệu đồng, thì tổng tài sản nhạc cụ kèn ở Đồng Nai đã là 7,5 tỷ đồng! 

 

Ông Phan Trung Tâm (vừa từ ngoài vườn về nhà chưa thay đồ) đã tìm cho chúng tôi xem những cây kèn được mang từ miền Bắc vào năm 1954 

Ông Phan Trung Tâm, 77 tuổi, trưởng ban nhạc kèn giáo xứ Dốc Mơ (xã Gia Tân huyện Thống Nhất) hiện còn giữ được nhiều cây kèn mà tuổi thọ của nó tại Việt Nam đã hơn ¾ thế kỷ. Ông nói rằng, đó là những bảo vật vô giá, chúng tôi không bao giờ bán. Hiện cũng còn hàng trăm cây kèn từng theo chân những người giáo dân công giáo vùng đồng bằng Bắc bộ “di cư” vào Đồng Nai từ 1954. Đa phần các loại kèn như trompet, clarinet, saxo, contre-bass, trompon, econ… trong các dàn nhạc ở Đồng Nai được sản xuất từ Pháp, Đức và có “tuổi đời” khá cao. Một số kèn mới trang bị sau này có xuất xứ từ Hàn Quốc, Trung Quốc (thường có giá mềm hơn kèn… Tây). 

Chưa có một thống kê chính thức để có thể hình dung về quy mô tài sản của người dân Đồng Nai từ sinh hoạt âm nhạc này bởi đây là việc làm khó. Nhưng, đánh giá đầy đủ gia tài văn hóa phi vật thể này (như tay nghề của hàng ngàn nhạc công không chuyên, trình độ biểu diễn của những ban nhạc kèn dân lập mà Nhà nước không tốn công đào tạo và đầu tư ở Đồng Nai) lại càng khó hơn. 

 

Những nhạc công của đội kèn Gia Yên trong một buổi tập: không còn gương mặt trẻ! 

Trong đời sống văn hóa 

Năm 1989, lần đầu tiên ở Đồng Nai, một liên hoan đồng ca hợp xướng đã đưa lên sàn diễn hàng ngàn diễn viên không chuyên (chỉ ở khu vực Biên Hòa) mà theo đánh giá của giới chuyên môn, trình độ biễu diễn loại hình âm nhạc bác học này của họ không quá chênh với giới chuyên nghiệp.  

Từ liên hoan này và nhiều liên hoan sau đó, đồng ca – hợp xướng được biết đến như là thế mạnh đặc biệt trong đời sống văn hóa ở Đồng Nai bên cạnh nhạc kèn, xuất phát từ đặc điểm của một tỉnh có tỷ lệ đồng bào theo đạo Thiên Chúa cao nhất nước. 

Cũng từ nỗ lực của ngành văn hóa cách nay gần 20 năm, một số liên hoan nhạc kèn đã được tổ chức tại Đồng Nai, dàn nhạc kèn của giáo xứ Ngọc Đồng (phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa) đã được chọn đại diện Đồng Nai tham gia liên hoan nhạc kèn chuyên nghiệp toàn quốc và giành được giải đặc biệt. 

Nhiều năm qua, các đội nhạc kèn ở Đồng Nai bên cạnh phục vụ các nghi thức tôn giáo dịp lễ lớn, cũng còn tham gia biểu diễn cho địa phương trong các sự kiện quan trọng như bầu cử, giao quân, lễ đón nhận các giải thưởng, tham gia nhiều hoạt động văn nghệ của địa phương và giúp đỡ bà con nhân dân trong các dịp tang ma, cưới xin… Nhiều nhạc công các đội kèn đã trở thành các hạt nhân văn nghệ quần chúng cũng như nhạc công chuyên nghiệp ở Đồng Nai trong hơn 30 năm qua. 

 

Anh Lâm Quang Đăng có gần 40 năm theo nghiệp kèn không chuyên 

Anh Lâm Quang Đăng sinh 1960, học thổi kèn từ năm 11 tuổi, đến nay chơi được cả clarinet lẫn saxophone cho đội kèn giáo xứ Dốc Mơ (xã Gia Tân, huyện Thống Nhất) cho biết: “Nhạc kèn là nghệ thuật tập thể nên từng cá nhân phải tập luyện thường xuyên và cả đội phải luôn tập với nhau dưới sự chỉ đạo của một người giỏi chuyên môn rất vất vả”. 

Có thể nói, đối với hầu hết các nhạc công không chuyên ở Đồng Nai, nhạc kèn là niềm vui, niềm yêu thích và cả sự hy sinh! 


Đội kèn Gia Yên biểu diễn phục vụ trong một ngày lễ. Họ tận dụng cả ghế nhựa để làm giá trống 

Hy sinh đầu tiên là bỏ tiền sắm kèn (tất nhiên, cũng có một số nơi, nhạc cụ kèn là tài sản chung của giáo xứ hoặc do giáo dân đang ở nước ngoài gửi tặng). Hy sinh lớn nhất của các nhạc công là mất nhiều thời gian tập dợt trong điều kiện thiếu thốn và phục vụ không có thù lao. Họ giống như những nghệ nhân dân gian (dù biểu diễn loại hình âm nhạc bác học), những nghệ nhân chỉ hưởng ‘thù lao” bằng tiếng vỗ tay, bằng niềm yêu quý của bà con trong thôn xóm, họ đạo. Và có lẽ đó cũng là lý do hiện nay, nhiều bạn trẻ không thích đến với nhạc kèn theo niềm yêu thích của các thế hệ cha anh mình! 

Nguy cơ mai một 

Tuổi đời bình quân của các đội nhạc kèn ở Đồng Nai hiện nay là 45. Cá biệt có nhiều đội kèn như ban kèn xứ Gia Yên (xã Gia Tân 3 huyện Thống Nhất) cả 30 thành viên đều có tuổi từ 50 trở lên! Anh Bùi Đức Thân, đội trưởng đội kèn Gia Yên giải thích thêm: “Kèn là nhạc cụ đơn âm trong khi ngày nay có quá nhiều nhạc cụ điện tử hiện đại dễ học nên đa số thanh niên không hào hứng học kèn. Với lại, họ thấy vào đội kèn thì không có quyền lợi gì mà mất quá nhiều thời gian tập dợt, phục vụ”.  

Anh Bùi Thế Thông, một nhạc sĩ hiện sinh sống ở vùng Kiệm Tân, cũng nhận định: “Chất lượng chuyên môn của nhiều đội kèn ở Đồng Nai hiện nay còn yếu và khó nâng lên được vì anh em vẫn tập với bài bản cũ. Những người có học hành tử tế về âm nhạc trước đây để chỉ đạo các đội kèn đã lần lượt qua đời. Các bạn trẻ thì không muốn theo nhạc kèn vì giờ họ có quá nhiều thứ để chơi. Học saxo ở Sài Gòn may ra có thể biểu diễn sân khấu chứ ở vùng quê thì làm gì kiếm ra tiền? Nhưng thực ra đây không phải là lý do chính vì đa phần anh em tham gia hội kèn mấy chục năm nay đều mang tình thần phục vụ giáo hội”. 

Khó có thể lý giải hết những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mai một do không có kế thừa của đời sống nhạc kèn ở Đồng Nai. Anh Bùi Đức Thân nói thêm: “Thời chúng tôi còn trẻ thì ngành văn hóa có tổ chức các liên hoan kèn cũng sôi nổi. Phong trào lúc đó lên lắm nhờ các địa phương cạnh tranh nhau. Nhưng cách tổ chức còn máy móc, ví dụ như quy định số bài nhạc tham gia thi quá hạn chế, và điều đáng nói nhất là giải thưởng… không đủ tiền cho anh em uống nước trong một buổi tập nên sau này khi tổ chức tiếp thì anh em không muốn tham gia nữa. Có thể nói, anh em nhạc kèn ở Đồng Nai chưa thực sự có một “sân chơi” để cọ xát, giao lưu và phục vụ…” 

* * * 

Anh Bùi Đức Thân, trưởng ban kèn giáo xứ Gia Yên (xã Gia Tân 3 huyện Thống Nhất) – một người tâm huyết với nhạc kèn!

 

Nhiều năm qua, nhạc kèn đã có những đóng góp trong đời sống văn hóa tinh thần của người Đồng Nai. Sinh hoạt âm nhạc cũng như đội ngũ những người chơi kèn không chuyên ở Đồng Nai là những tài sản văn hóa đặc biệt cần được gìn giữ và phát huy. Nhưng do nhạc kèn ở địa phương này xuất phát từ sinh hoạt tôn giáo nên lâu nay, những cái nhìn quá thận trọng vô tình tạo nên những rào cản. Cùng với xu hướng hưởng thụ nhanh gọn nhẹ và vừa túi tiền của đời sống hiện đại, những rào cản ấy đã và đang làm mai một trữ lượng tài sản văn hóa này!

  

Nhạc kèn đối với nhiều nơi trên thế giới là món hàng sang trọng, nhưng ở Đồng Nai, nó có sức sống mãnh liệt trong đời sống bình dân. Điểm độc đáo ấy xem ra sẽ bị đánh mất trong một thời gian không xa nữa nếu hôm nay những giá trị ấy chưa được đặt đúng chỗ… 

1.2010 

BOX : 

+ Dàn nhạc kèn (ochestre d’ harmonie) thường gồm các nhạc khí thuộc bộ kèn gỗ và kèn đồng, kèm theo một ít nhạc khí gõ, không dùng đến bộ dây. Thành phần biên chế gồm: oboe, clarinet, basson, saxophone, cornes, trompet, trombone, các nhạc khí bộ gõ như trống, cymbales. Dàn nhạc kèn ở các xứ đạo trong tỉnh Đồng Nai thiên về nhạc kèn đồng (ochestre fanfare) hơn, khá giống với các dàn nhạc quân đội, kèn đồng chiếm vị trí chủ yếu để tạo âm lượng lớn, tiếng vang xa, mạnh về ngợi ca, hành khúc, sự trang trọng, lễ nghi…  

  

+ Không phải ai cũng chơi được nhạc kèn. Một số nhạc cụ như trompet chẳng hạn cũng cần có sức khỏe tốt, biết lấy hơi bụng. Và mỗi người học kèn thì sẽ chọn một số loại kèn phù hợp với… miệng của mình.  

 

TÀI NĂNG ĐỒNG NAI TRÔI VỀ ĐÂU? (*)

“Tôi làm đơn xin nghỉ việc không phải là tôi đầu hàng, tôi muốn ra khỏi cơ quan nhà nước để được làm việc nhiều hơn vì tôi có một hoài bão cống hiến thật sự cho khoa học, cho đất nước. Tôi muốn thử nghiệm một mô hình, trong đó người cán bộ khoa học – kỹ thuật đưa nhanh chất xám của mình vào thực tiễn, hiệu quả sử dụng chất xám của nhà nước sẽ cao hơn. Tôi làm đơn xin nghỉ việc để nhà nước không bị lãng phí….”

 

Đó là những tâm sự của Phó tiến sĩ Nguyễn Đức Thạch, hiện còn công tác tại Ủy ban KH-KT tỉnh và là người duy nhất trong số 06 phó tiến sĩ ở Đồng Nai trực tiếp làm công tác khoa học – kỹ thuật. Đó dường như cũng là tâm sự của nhiều tài năng trên các lĩnh vực khoa học, nghệ thuật, thể dục thể thao ở Đồng Nai hiện nay: Làm sao có thể cống hiến được nhiều nhất?

Bài viết sau đây nêu ra một vài trường hợp cụ thể như một bức xúc chân thành trước thềm thập niên 90 ở tỉnh ta.

 

  

Đất lành chim đậu

Trong ca mổ Việt – Đức nổi tiếng thế giới năm qua, khi đánh giá về công lao của tập thể y, bác sĩ Bệnh viện Phụ sản thành phố Hồ Chí Minh, người ta không quên nhắc đến ê-kíp gây mê – hồi sức. Bạn có biết trong số những người tham gia ê-kíp này có bác sĩ Đào Thị Vui, người Đồng Nai và từng là chủ nhiệm khoa Khoa gây mê – hồi sức của bệnh viện Đồng Nai? Hai năm trước đây, ngày ngày chị vẫn đi xe buýt từ Hố Nai đến Biên Hòa với cái giỏ xách đựng một “gô” cơm, mấy cuốn sách, tạp chí. Tại bệnh viện, chị cần mẫn như một người mẹ tần tảo. Quyết định thành công của từng ca mổ đâu chỉ có phẫu thuật viên, thế nhưng hồi ấy, bác sĩ gây mê chỉ được tiền bồi dưỡng bằng tiền bồi dưỡng phụ mổ của một y tá mới ra trường! Bệnh nhân bình phục có người đến cảm ơn bác sĩ giải phẫu, hầu như không có ai đến cảm ơn bác sĩ gây mê. Chị Vui không buồn chuyện ấy. Chị nghĩ: mình chỉ mong có kiến thức sâu rộng để giúp bà con. Chị lặng lẽ đọc, tìm tòi. Hoài bão của chị không thành chỉ vì một nỗi: Chị theo đạo Thiên Chúa. Mấy năm ròng rã sinh hoạt tổ trung kiên, mấy lần làm đơn xin đi học chuyên tu cấp I… là những lần nỗi thất vọng càng bám lấy quyết tâm của chị. Chị về Bệnh viện Phụ sản thành phố Hồ Chí Minh, bao đồng nghiệp và cộng sự tiếc nhớ nhưng lại mừng cho chị.

Một trường hợp khác: Gia đình bóng đá Trần Quang Thảo, Trần Quang Nghĩa, Trần Quang Dũng cũng lần lượt rời Đồng Nai để tìm đến những tỉnh, thành khác. Anh Thảo, anh Nghĩa về làm thủ môn đội Hải Quan, Công nghiệp thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh (trước đây). Anh Trần Quang Dũng từng là thủ môn đội tuyển Đồng Nai, một cầu thủ trẻ mới lên, nhưng sau một mùa giải, lấy lý do lớn tuổi, lãnh đạo cho Dũng làm bảo vệ sân bóng. Anh đành từ giã Đồng Nai. Nay là thủ môn chính của đội tuyển An Giang.

Người ta có thể đổ lỗi cho cơ chế cũ và chính sách chế độ lúc bấy giờ đã không tôn trọng và phát huy đúng mức những tài năng. Nhưng trong một bình diện hẹp, chẳng lẽ “đất Sài Gòn”, “đất An Giang” lại có thể “lành“ hơn “đất Đồng Nai“?

 

  

Ai về Gia Định, Đồng Nai thì…

Hơn 9 năm qua, bác sĩ Xuân Tâm, nha sĩ Bảo Đan vẫn từng ngày từ thành phố Hồ Chí Minh đến Biên Hòa để công tác ở Bệnh viện Đồng Nai với đồng lương nghèo. Nhiều lần nguyện vọng xin đi học bổ túc chuyên môn của họ đã bị từ chối bởi có ý kiến lo ngại rằng nếu học thêm, họ sẽ bỏ Đồng Nai mà về thành phố Hồ Chí Minh. Trong khi đó, Bác sĩ L, chuyên khoa gây mê, được cử đi học ở Tiệp khắc 6 tháng về vệ sinh công nghiệp thực phẩm, ra trường chưa công tác ngày nào đã được cử đi học chuyên khoa mắt tại thành phố Hồ Chí Minh, bà L.Đ.K.Kh từ một y sĩ đi học chuyên tu 3 năm thành bác sĩ trở về chưa phục vụ nhiều đã được cho đi học chuyên khoa mắt… Những trí thức trẻ trong ngành y tâm sự: Họ chưa dám đòi hỏi lãnh đạo phải thật sự giỏi để sử dụng tài năng hợp lý mà họ yêu cầu phải có một sự công bằng tối thiểu để trí thức còn nhiệt tình công tác.

Chị Phạm Minh Chính, giáo viên mới của Trường Văn hóa – Nghệ thuật Đồng Nai, tốt nghiệp nhạc viện Hà nội năm 1988 với tác phẩm xuất sắc viết cho đàn nhị, chị nhanh chóng trở thành diễn viên của Đồng Nai “mang chuông đi thi thố xứ người”. Chị từng làm xanh mắt các khán giả Xô Viết bằng cây đàn nhị độc đáo Việt Nam, từng giành cho Đồng Nai những huy chương vàng nhưng cũng đang có ý định bỏ Đồng Nai để về theo một nhóm nhạc dân tộc nữ ở thành p
hố Hồ Chí Minh. Chị tâm sự: “Học trò vào trường nhạc bây giờ không thích học các nhạc cụ dân tộc. Đồng lương giáo viên làm sao đủ sống? Đàn nhị, đàn tranh làm sao có thể dạy thêm?

 

  

Tiềm lực còn ngủ yên

Năm qua, ba trong số bốn giải nhất của cuộc thi chọn giọng ca hay do Hội Âm nhạc và Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh tổ chức (có 987 thí sinh tham gia) (**) đã thuộc về những giọng ca Đồng Nai: Hoài Nam, Tăng Anh Phương, Phạm Duy Anh. Nhưng đó chưa phải là nhưng giọng ca nổi bật nhất tại Đồng Nai.

Cũng năm 1989 nội khu vực Biên hòa, liên hoan đồng ca hợp xướng đã đưa lên sàn diễn hàng ngàn diễn viên không chuyên mà trình độ biễu diễn loại hình âm nhạc “bác học” này của họ không cách xa với chuyên nghiệp.

Anh Phan Thanh Tiến – Giáo viên Trường Văn hóa – Nghệ thuật Đồng Nai được giới chuyên môn đánh giá thuộc loại tài năng violon hiếm hoi ở khu vực phía Nam.

v.v…

Tiềm lực văn hoá – văn nghệ Đồng Nai là thế. Nhưng mới đây, Hoài Nam, Phạm Duy Anh, Kim Tuyến, Phan Thanh Tiến… lần lượt về thành phố Hồ Chí Minh để kiếm sống. Dù rất nhiệt tình, họ cũng đâu còn thời gian để đầu tư nghiên cứu giảng dạy cho thế hệ đàn em.

Có những người không bỏ Đồng Nai nhưng trên thực tế, chất xám hiếm hoi của họ có nguy cơ bị vụt mất. Những nghệ nhân gốm là một ví dụ. Men ngọc bích truyền thống Biên Hoà có tên trong tự điển men thế giới, đâu phải học sinh mỹ thuật nào bây giờ cũng pha chế được và pha chế đúng. Bác Nguyễn Đức Mậu, một nhà điêu khắc Đồng Nai, từng nổi tiếng với những tượng đài ở Hà Nội, từng có những công trình như tượng đài Thánh Gióng, Trần Hưng Đạo, Trần Nguyên Hãn, Đức Bà Sài Gòn (hiện còn ở thành phố Hồ Chí Minh), từng là hiệu trưởng Trường Mỹ thuật trang trí hiện nay, từng giảng dạy ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia định đến năm 1977, nay vẫn chưa được mời làm một công trình gì cho tỉnh ta (thành phố Biên Hoà hiện chưa có một tượng đài nào!)

 

  

Bao cấp là không tin ở con người

Trở lại với trường hợp PTS Nguyễn Đức Thạch (anh Thạch đã làm đơn xin nghỉ việc từ tháng 08/1989 nhưng đến nay UBKH – KT tỉnh vẫn động viên anh ở lại công tác) suốt 31 năm qua “khấu hao” cho Nhà nước, anh không hề vấp phải một khuyết điểm nào. Anh từng đi nhiều nước trên thế giới (kể cả các nước TBCN), từng giảng dạy những lớp sinh viên đầu tiên của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (có nhiều người đến nay đã giữ chức vụ cao) nhưng cái ghế cao nhất của anh từ đó đến nay là… trưởng phòng! Anh nói: Tôi nguyện suốt đời là người lính theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng trên mặt trận khoa học – kỹ thuật. Anh rời giảng đường để xốc vào thực tế, anh làm thực nghiệm cần mẫn, tự học 3, 4 ngoại ngữ để dịch sách, nghiên cứu. Ở cái thời mà người ta sính những “báo cáo khoa học”, “những công trình”, anh cũng đã làm đựơc nhiều công trình có khả năng ứng dụng. Anh muốn bắt rễ vào cuộc sống. Nhưng tất cả các đề án đều vấp phải cơ chế. Điều nghiệt ngã trong cuộc đời nhà khoa học Việt Nam – anh Thạch nói – là một thời gian dài không làm được việc và làm việc cho có hiệu quả! Một quy trình sản xuất kem đánh răng, soda, keo dán, công ty tư nhân ở thành phố Hồ Chí Minh có thể mua với giá hàng mấy cây vàng nhưng để thực hiện một công trình khai thác tài nguyên của tỉnh thì xin một triệu đồng phải chờ cả năm trời có khi không được!

Về chuyên môn của mình, hiện nay anh Thạch mong muốn thực hiện công trình tìm kiếm, thăm dò, thu hồi, tận dụng tài nguyên quý (vàng) ở Đồng Nai để tránh lãng phí do khai thác bừa bãi nhưng đến nay anh gặp nhiều cái barie lớn: không kinh phí, không cộng sự…

 

  

Mai sau dù có bao giờ

Anh Thạch tâm sự: Lớp trẻ bây giờ hầu như bỏ mất xu hướng nghề nghiệp và sự xốc vào thực tế. Có người mới ra trường đã ham làm quản lý, có người lo làm giàu bằng mọi giá. Biết sao được? Nhiều cán bộ khoa học – kỹ thuật hiện nay thu nhập thua công nhân!

Còn chị Minh Chính thì nói: Thế hệ sau này sợ họ không biết đến những cây đàn dân tộc.

Anh Phan Thanh Tiến bức xúc: Nỗi khổ của người trí thức không chỉ ở vật chất mà còn ở nỗi đau tinh thần trước sự thiếu công bằng và sự mất tự do ở đôi nơi, đôi chỗ hiện nay. Nó đã làm cho họ không thể nhiệt tình đem hết tài năng bồi dưỡng cho thế hệ sau. Nguy cơ mai một tài năng đang là lời báo động.

Bài viết này mong làm một tiếng nói báo động sự lãng phí tài năng, lãng phí chất xám đang còn diễn ra xung quanh ta. Nó có nguồn gốc từ sự mất niềm tin vào con người thời bao cấp. Dẫu biết rằng tài năng cần có môi trường để phát huy, dẫu biết rằng dù ở đâu, những tài năng cũng sẽ cống hiến cho đất nước và không nên có một cái nhìn cục bộ, nhưng nhìn trên bình diện hẹp, chảy máu chất xám là đánh mất một nguồn lực quan trọng cho phát triển. Đối tượng toàn diện của chính trị là con người, không thể có một chính sách xã hội phân biệt đối xử với tài năng. “Đất lành chim đậu”, sự tổng kết ấy không chỉ đúng với ngày xưa…

 

 

  

…………………………….

(*) Bài báo được viết cách nay 19 năm, (đã đăng báo Xuân Đồng Nai 1990), vì thế, nhiều chi tiết, nhiều chức danh, nhiều tên cơ quan… được nêu trong bài báo cho đến nay đã có sự thay đổi. Bài báo này cũng cho mình cái giải nhì (không có giải nhất) Giải báo chí Đồng Nai năm 1990.

 

(**) Đây là cuộc thi hát đơn ca trên truyền hình đầu tiên, được xem là cuộc thi Tiếng hát truyền hình thành phố HCM lần thứ nhất

 

tainangDongnai 3

“Đánh bạc trên sóng” với… Bi-Rain!

 

Sau khi báo Thanh niên phản ánh hiện tượng tổ chức đánh bạc trên sóng truyền hình và đăng tải nhiều ý kiến bức xúc của bạn đọc cả nước về vấn đề này, đã có nhiều kênh truyền hình tạm thời ngưng các dịch vụ có máu đỏ đen. Tuy nhiên, những ngày gần đây, một số Đài lại tiếp tục triển khai các trò chơi may rủi không minh bạch.

 

Lập lờ đánh lận con đen…

Sự kiện diễn viên – ngôi sao Hàn Quốc Bi-Rain đến TP.HCM thực hiện chương trình “Rain’s coming” trong hai đêm ngày 10 và 11-3 tại sân vận động Quân khu 7 thực sự thu hút nhiều khán giả ái mộ. Đây là một show diễn hoành tráng và giá vé cũng “hoành tráng” không kém (có 7 loại vé giá thấp nhất 250 ngàn và cao nhất 2,5 triệu/vé). Fans hâm mộ chàng diễn viên mắt một mí này khá đông và đêm diễn còn thu hút hàng ngàn khán giả từ nước ngoài đến xem nên việc có một chiếc vé vào cửa không phải là chuyện nhỏ. Nắm bắt được tâm lý này, Công ty cổ phần viễn thông FPT với đầu số 8700 đã cho quảng bá một chương trình nhắn tin trúng… vé. Nội dung dịch vụ được rao trên kênh truyền hình HTVC của Truyền hình cáp HTV: “Cơ hội trúng 10 cặp vé tham dự buổi biểu diễn của Hoàng tử nhạc pop châu Á Bi(Rain) dành cho thuê bao HTVC và chủ thẻ MTV. Hãy trả lời câu hỏi: “Tên chương trình lưu diễn vòng quanh thế giới của Bi(Rain)?”. Soạn tin nhắn với cú pháp Bi <nội dung trả lời> gửi đến tổng đài 8700 (15.000 đồng/tin nhắn). Thời gian tham gia chương trình từ 3 đến 7 tháng 3 năm 2007”

Dòng rao dịch vụ chạy liên tục trên kênh truyền hình này làm người xem đặt ra nhiều câu hỏi: Đâu là tiêu chí chọn người trúng… vé khi có hàng ngàn người trả lời đúng vì câu hỏi quá dễ đối với fans hâm mộ? Người trúng thường được trao vé ở đâu, khi nào? Và loại vé gì? v.v… đều không được thông báo chính thức. Một cặp vé giá thấp nhất đã tới 500 ngàn, giả sử nhà tổ chức trao cho 10 người may mắn như đã thông báo thì họ chỉ tốn 5 triệu đồng (tương đương với hơn 334 tin nhắn) trong khi đó, tổng thuê bao HTVC trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã hơn 30.000 chưa tính chủ thẻ MTV. Chỉ cần 10% số thuê bao này nhắn tin họ sẽ thu được 45 triệu đồng!

Sự lập lờ trong dịch vụ nhắn tin này cho thấy những nhà tổ chức đã không ngần ngại đánh lừa những khán giả truyền hình của mình và coi thường công luận.

Cũng trong ngày 6/6, theo ghi nhận của chúng tôi, 2 kênh truyền hình khác là BRT (Đài PTTH Bà Rịa – Vũng Tàu) và ĐN-RTV2 (Đài PTTH Đồng Nai) vẫn tiếp tục phát sóng quảng bá dịch vụ “Mừng xuân Đinh Hợi, rinh ngay heo vàng” với đầu số 8513 của FPT (5000 đồng/tin nhắn) – một trò chơi đánh bạc mà báo Thanh Niên đã phản ánh một tuần trước đó.

 

Khi khán giả là thượng đế

Rất nhiều tình huống của những trận bóng đá trong giải vô địch bóng đá Đông Nam Á (AFF Cup) vừa qua khán giả truyền hình Việt Nam không thể xem được chi tiết vì bị phần quảng bá dịch vụ giá trị gia tăng cũng như quảng cáo chạy chân che mất phần dưới khuôn hình. Truyền hình kỹ thuật số VTC đã có công mua bản quyền AFF Cup để “biếu” cho các Đài địa phương (và cả VTV) để phục vụ người hâm mộ. Nhưng sóng truyền hình AFF Cup không phải là “sóng sạch”. Hàng chục dịch vụ giá trị gia tăng được các kênh truyền hình “được biếu sóng” phải phát lại trong đó có các trò chơi (với 5000 đồng/ tin nhắn) như “Vinh quang chiến thắng” chẳng hạn. Điều đáng nói là khi thiết kế các kịch bản đồ họa để chạy chân trong khuôn hình, các nhà tổ chức đã khai thác một diện tích màn hình quá rộng và tận dụng rất nhiều các hình thức hoạt họa (animation) gây mất tập trung cho người xem và làm che hình trong một số tình huống.

Các dịch vụ tin nhắn hiện nay ngày càng có khuynh hướng thiết kế quảng bá cao hơn (tính từ chân màn hình TV trở lên), có nhiều dòng chữ, hình ảnh động hơn và chạy… dai hơn để thu hút khán giả. Các dịch vụ của FPT thiết kế đồ họa cho các Đài địa phương thường khai thác 2 dòng chữ nối nhau chạy và nhiều màu sắc gây phản cảm cho người xem truyền hình bình thường. Nhiều Đài chạy quảng bá dịch vụ “đè” lên chính biểu tượng của mình (cũng được “cẩn” vào màn hình) như trường hợp “logo” phim truyện 19G, logo “phim truyện buổi sáng”, logo “Tôi yêu phim truyện Việt Nam” của ĐN-RTV. Người quay phim trong truyền hình, đạo diễn phim truyện trong điện ảnh bao giờ cũng có ý thức về bố cục. Song khi khai thác, quảng bá các dịch vụ giá trị gia tăng, nhiều nội dung hình ảnh trên truyền hình đã che khuất dẫn đến cắt xén những bố cục khuôn hình mà nhà sản xuất từng chăm chút.

Với nhiều Đài truyền hình nước ngoài, việc sử dụng các box trên màn hình để đưa nhiều nội dung thông tin, dịch vụ như giá cả chứng khoán, thời
tiết, lịch bay, tin vắn… là chuyện bình thường. Nhưng nhà sản xuất chương trình luôn có ý thức xử lý bố cục bằng cách chia khung hình hợp lý không bị ảnh hưởng giữa các nội dung thông tin – dịch vụ. Ở Việt Nam hiện nay, trừ một số bộ phim hoặc chương trình được xử lý theo khuôn hình 6 X 9 (có 2 “băng đen” dư trên và dưới trên màn ảnh), việc trộn một số tín hiệu đồ họa chạy quảng bá đang sử dụng công nghệ “cẩn chữ” (chroma key, alpha key) đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiếp thu thông tin, giáo dục, giải trí qua màn ảnh nhỏ.

 

***

 

Truyền hình là cơ quan báo chí và cũng là một đơn vị dịch vụ với nguồn thu lớn. Khán giả truyền hình – trong chừng mực nào đó – là khách hàng theo đúng nghĩa của từ này. Tôn trọng khách hàng cũng chính là việc giữ uy tín thương hiệu cho mình. Rồi đây, các ngành chức năng sẽ có những biện pháp chấn chỉnh các hoạt động khai thác dịch vụ giá trị gia tăng trên sóng truyền hình (xem bài trả lời phỏng vấn báo Thanh niên của ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí). Nhưng trong khi chờ đợi các quy định chính thức của Nhà nước, thiết nghĩ, ngành truyền hình nên có sự tự điều chỉnh về việc triển khai dịch vụ giá trị gia tăng, trong đó có các quy chuẩn kỹ thuật về việc trộn (mix) tín hiệu quảng cáo, quảng bá trên khuôn hình chính (từ màu sắc, kích cỡ, font chữ v.v…) để người xem truyền hình được thưởng thức chương trình trọn vẹn hơn.

(Đã in báo Thanh Niên)

AI ĐƯỢC AI MẤT TRONG TRÒ CHƠI TIN NHẮN?

 

Những tay chơi “cơm gạo”:

Một nhân viên ở một Đài truyền hình phụ trách dịch vụ trò chơi qua tin nhắn kể rằng: Một lần khi Đài anh tổ chức trao giải thưởng cho khán giả, sau các nghi thức tặng hoa trao tiền, anh chứng kiến “giải nhất”, “giải nhì”, “giải ba”… ra về vui vẻ với nhau trên cùng một chiếc taxi! Trong lần trao giải cho một dịch vụ khác ngay sau đó, người trúng thưởng cũng là những gương mặt cũ. Họ đến lãnh giải cứ như không quen biết nhau, nhưng sau đó lại ra về chung một chuyến taxi. Anh nhân viên này đã tìm hiểu ngay sự thật: tất cả các vị nhận giải đó đều là anh em, vợ chồng trong cùng một gia đình.

Trò chơi nhắn tin đã tạo ra một số “chuyên gia tin nhắn” rất “cơm gạo”. Trong một số hình thức đánh bạc, nhà tổ chức do cần sản lượng tin nhắn cao đã không hạn chế số lần nhắn tin cho một thuê bao nên các chuyên gia này có thể sử dụng nhiều sim khác nhau để nhắn với số lượng “dã man”. Nếu cuộc chơi có ý nghĩa dự đoán, họ dựa vào xác suất để chơi cấp tập một chuỗi dãy số trong thời gian sớm nhất. Một lần “bơm” tin nhắn của những chuyên gia này có thể tới 500 ngàn tiền cước (với giải thưởng 3 triệu trở lên). Khả năng trúng giải của họ khá cao và vì thế tất cả những khán giả bình thường đều là kẻ lót đường ngây thơ với vài ba tin nhắn!

Với các trò chơi may rủi, họ sẽ canh khoảng thời gian có thể “rớt” giải để “đánh hội đồng” hàng trăm tin nhắn! Chưa kể là nếu những tay chơi chuyên nghiệp này móc nối được với những người quản trị đầu số dịch vụ, khả năng trúng giải của các khán giả bình thường sẽ bằng… zêrô!

Khảo sát cơ sở dữ liệu của các thuê bao di động tham gia các trò chơi nhắn tin, dễ dàng nhận thấy tần suất xuất hiện dày đặc của những thuê bao cơm gạo chuyên nghiệp này. Vì thế những người chơi bình thường “khó có cửa” cho các giải lớn! Trong khi đó, nhà tổ chức thường cho “rớt” các giải nhỏ (100, 150 ngàn) rất nhiều, và những người trúng giải nhỏ thường có tâm lý dùng khoản “tiền chùa” này để chơi tiếp may ra có giải cao. Cái vòng luẩn quẩn cờ bạc cứ thế mà thành!

 

Và những lời tư vấn ngớ ngẩn:

Nếu các trò chơi dự đoán, trò chơi may rủi kích thích được những tay chơi có máu đỏ đen thì các dạng trò chơi tư vấn thu hút một số rất lớn các bà, các chị và các bạn trẻ. Khó mà có thể thống kê hết các dạng trò chơi tư vấn như thế. Xin đưa ra dưới đây một số câu rao dịch vụ trên một Đài truyền hình: Hãy chia sẽ cùng nhau những lời yêu thương, những buồn vui, hờn giận. Bạn hãy soạn tin nhắn LOVE X SĐTNhận gửi đến 8230. Trong đó X=YEUANH, YEUEM, TOTINHANH, TOTINHEM, GIANANH hoặc GIANEM. Người ấy sẽ nhận được những thông điệp mà bạn muốn nói. Ví dụ: gửi Lời yêu thương đến bạn gái có SĐT 0908123456, bạn soạn tin nhắn: LOVE YEUEM 0908123456. Hoặc Bạn đang khổ sở với thân hình của mình ư? Hãy soạn tin nhắn MV X gửi đến 8330, trong đó X (TANGCAN, GIAMCAN) để nhận được những lời tư vấn. Trong dịp Tết này, hàng loạt dịch vụ tư vấn như thế được đưa ra: tư vấn lời chúc cho ông bà, thầy cô, anh chị. Thậm chí có những lời tư vấn về vận mệnh có tính chất bói toán hoặc những lời tư vấn về tài chính hết sức ngô nghê. Hoặc các lời tư vấn mẹo vặt như chọn trái cây, chọn mai, uống rượu lâu say, chữa say rượu, khử mùi tanh hôi trong bếp, bí quyết luộc gà, chữa rối loạn tiêu hóa, đầy hơi, chướng bụng, cách quét mạng nhện, phân biệt thịt bò hay thịt trâu, pha trà thật ngon, khử mùi thuốc lá trong phòng v.v… Thôi thì “kính thưa các loại tư vấn”! Điều đáng nói là những tin nhắn trả về để tư vấn được cóp nhặt lung tung, phản khoa học, phổ biến là những câu tư vấn rất… huề vốn! Ví dụ: tư vấn về tài chính 2007 cho những người có ngày sinh từ 21/3 đến 19/4 như sau: Nếu bạn làm việc khôn khéo, chi tiêu một cách khôn ngoan và cất trữ một ít tiền, đến cuối năm bạn sẽ có đủ vốn để làm ăn riêng vì bạn là người tự lập và có máu kinh doanh. Nhưng đừng từ bỏ công việc hằng ngày của mình cho đến khi mọi việc đã được xếp đặt ổn thoả, và tránh những cuộc đầu tư mạo hiểm. Còn đây là nội dung tư vấn lời chúc Tết thầy cô: Chúc thầy cô một năm luôn vui vẻ, khoẻ mạnh như đại bàng, giàu sang như chim phụng, làm lụng như chim sâu, sống lâu như đà điểu. Xin miễn bình luận! Nội dung tư vấn vận mệnh cho người sinh từ 21/1 đến 19/2 như sau: Đây là năm tốt nhất để phát triển các kỹ năng giao tiếp. Hãy gặp gỡ những người quan trọng và làm việc càng nhiều càng tốt với những người có cùng chí hướng. Đây là năm để bạn quyết định con đường nào mình nên đi theo. Do sao Hải Vương chiếu vào cung Bảo Bình, nên ưu thế của bạn là có tài nhìn xa trông rộng.

Nhiều tin nhắn tư vấn không có dấu thanh trong tiếng Việt đã gây sự hiểu lầm. Còn có tin nhắn có dấu (font Unicode) thì nhiều loại điện thoại di động không hiển thị được. Người nhắn tin bó tay nhìn số tiền cước của mình bị bay mất mà đoán già đoán non lời tư vấn!

***

Tóm lại, trong cuộc chơi nhắn tin này, khán giả được mất là chuyện nhỏ, nhưng nhà tổ chức lời là
chuyện có thật! Và vì nó là dịch vụ giá trị gia tăng nên nhà Đài cũng không mất gì tiền điện tiền công, thời lượng cho phát sóng, nó chỉ chạy chân trên các chương trình giải trí (chiếu phim, ca nhạc, đá bóng) để quảng bá, không chạy thì cũng rứa, chạy thì có thêm nguồn thu. Và đó cũng là lý do để các Đài dễ dãi trong việc triển khai các dịch vụ như thế. 

Bài đã đăng Thanh Niên